Tuyên khấn


Sau một thời gian đào tạo nhất định, các tập sinh được tuyên khấn trong Dòng như một dấu chỉ cho sự dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa trong tinh thần và lý tưởng của Dòng. Hiến pháp các nữ Đan sĩ Dòng Giảng thuyết quy định về việc Tuyên khấn bao gồm khấn tạm và khấn trọng thể từ số 152 đến 169 một cách cụ thể như sau:

152. I. Qua việc tuyên khấn, chúng ta hiến dâng bản than cho Thiên Chúa, bước theo Chúa Kitô để sống đời Tin Mừng trong Dòng; như thế, việc thánh hiến khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy đạt được hiệu quả sung mãn hơn.

II. Do việc tuyên khấn vâng phục, chúng ta tự nguyện tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, khi từ bỏ những thiện ích hiển nhiên rất đáng quý chuộng, nhưng không gây phương hại cho sự tăng trưởng đích thực của nhân vị. Vì khi nhận lấy sự tự hủy của Đức Kitô, chúng ta cũng được tham dự vào sự sống của Ngài trong Thần Khí. Như thế, nhờ lòng trung thành, chúng ta sẽ là những nhân chứng hùng hồn trong Hội thánh cho những giá trị Nước Trời.

III. Khi tuyên khấn, do lòng yêu mến con thảo hướng dẫn, chúng ta hứa tuân phục Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa Thánh Mẫu, Mẹ rất nhân từ của Dòng chúng ta.

IV. Cũng trong lời khấn này, khi chúng ta hứa vâng phục Thánh Đa Minh là chúng ta quyết tâm sống trung thành với tinh thần và lý tưởng của người.

KHẤN TẠM

153.
Sau khóa tập, tập sinh được chấp nhận bước vào giai đoạn thử luyện khác, bắt đầu bằng việc tuyên khấn tạm thời.

154. Khi có lý do chính đáng, Đan viện Trưởng có thể cho phép tập sinh tuyên khấn trước thời hạn, nhưng không quá 15 ngày.

155. I. Mãn thời gian khấn tạm, hoặc tự ý xin, hoặc do Đan viện Trưởng đề nghị, chị em có thể gia hạn lời khấn tạm, nhưng không quá ba lần, mỗi lần một năm. Tuy nhiên, Chỉ nam có thể quy định việc kéo dài thời gian khấn tạm cho hết mọi người, nhưng không được quá chín năm.

II. Chị em nào đã từ một Dòng khác và đang bị ràng buộc bởi lời khấn mà vào Dòng Đa Minh, thì chỉ được phép nhận cho khấn ba năm sau khi hoàn thành khóa tập. Tuy nhiên, phải theo diễn tiến về việc bỏ phiếu như đã đề cập đến trong HP số 151 để khóa tập được thành sự. Những điều kiện khác có thể quy định trong Chỉ Nam. Những quy định trong luật chúng ta phải được thông báo rõ ràng cho các Bề trên liên hệ của các Dòng tu khác.

156. Ngoài những điều phải giữ trong luật chung, việc tuyên khấn tạm phải được đọc theo công thức khấn của chúng ta và được tiếp nhận bởi Bề trên Tổng quyền, Đan viện Trưởng hay Phụ ta Đan viện Trưởng Nhiếp chính, hoặc một đan sĩ được ủy quyền bởi các vị ấy.

157. I. Chị em khấn theo mẫu sau đây: “Tôi là nữ tu M…, tuyên khấn và hứa vâng phục Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Đa Minh, Bề trên Tổng quyền Dòng Giảng Thuyết, và với chi…, Đan viện Trưởng Đan viện Đa Minh, thánh hiệu Đức Maria Thánh Linh (hoặc Chị…, Phụ tá Đan viện Trưởng Nhiếp chính hay vị Đại diện) và những vị kế nhiệm chị, theo tu luật thánh Âu tinh và Hiến pháp của các đan sĩ Dòng Giảng Thuyết. Tôi sẽ vâng phục chị và những vị kế nhiệm chị trong 3 năm (hoặc 1 năm).

II. Nếu trong thời gian Dòng khuyết chức Bề trên Tổng quyền, thì công thức tuyên khấn vẫn không thay đổi.

158. Nghi thức khấn Dòng được thực hiện theo nghi thức của Dòng.

159. Mọi cuộc tuyên khấn phải được biên ghi vào sổ khấn, với chữ ký của người tuyên khấn, Đan viện Trưởng và hai nhân chứng.

160. I. Trong suốt thời gian khấn tạm, chị em vẫn giữ quyền tư hữu về tài sản của mình cũng như khả năng thủ đắc các tài sản khác nữa. Nhưng bất kỳ điều gì chị em thủ đắc do công sức của mình hay với danh nghĩa là tu sĩ, thì đều thủ đắc cho đan viện.

II. Trước khi khấn lần đầu, tập sinh phải nhượng quyền quản trị tài sản của mình cho ai tùy ý, kể cả cho đan viện, trong suốt thời gian lời khấn chi phối, và phải tự ý định đoạt việc sử dụng cũng như lợi tức của các tài sản ấy. Tập sinh cũng được phép lập chúc thư về những tài sản hiện có hoặc có thể có; giữ nguyên HP số 164 & II.

III. Nếu việc nhượng quyền hoặc định đoạt nói ở khoản II đã bỏ qua vì tập sinh không có tài sản và sau mới có, thì khi đó sẽ tiến hành theo những quy tắc đã được ấn định ở khoản II dù đã có lời khấn rồi.

IV. Đan sĩ khấn tạm có thể thay đổi việc nhượng quyền và quản trị tài sản của mình, nhưng không được tự ý quyết định nếu không có phép của Đan viện Trưởng.

161. I. Để lặp lại lời khấn tạm cần phải tiến hành thủ tục theo HP số 151.

II. Nếu có một nghi ngờ trầm trọng về ơn gọi hoặc khả năng của người chị em, thì không được nhận cho lặp lại lời khấn và phải cho hồi tục.

III. Bệnh tật thể lý hay tâm lý, ngay cả khi mắc bệnh sau khi khấn, nếu theo sự phán đoán của chuyên viên, một chị em không thể thích hợp với đời sống chiêm niệm trong đan viện, cũng đủ lý do để không được chấp thuận cho chị lặp lại lời khấn hay khấn vĩnh viễn; trừ khi bệnh tật của chị mắc phải là do sự sơ xuất của đan viện hay vì công việc đã làm cho Dòng.

IV. Chị em nào bị mất trí trong thời gian khấn tạm thì không thể bị loại ra khỏi Dòng, ngay cả khi chị không thể tuyên lại lời khấn. Đan viện phải chăm sóc chị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

162. Trước khi tuyên khấn trọng, đan sĩ phải sống ít là một năm tại cộng đoàn các đan sĩ đã khấn trọng của đan viện của mình; trừ trường hợp nói ở HP số 119-120.

163. Về việc chấp thuận cho đan sĩ tuyên khấn trọng phải tuân giữ tất cả các khoản HP số 137; 138; 149, II.

164. I. Trước khi khấn trọng, các đan sĩ khấn tạm phải nhường tất cả tài sản hiện có hay chắc chắn sẽ có cho bất cứ ai chị muốn, theo thể thức có giá trị đối với dân luật khi có thể. Phải thực hiện chắc chắn bao nhiêu có thể và có hiệu quả từ ngày chị tuyên khấn.

II. Chỉ nam sẽ quy định các biện pháp cần thiết để sau khi khấn trọng, việc khước từ tài sản có hiệu quả đối với dân luật từng miền.

III. Các điều khoản của việc khước từ này có thể thay đổi về sau, theo quy định trong HP số 161, IV.

KHẤN TRỌNG

165. Mãn thời gian khấn tạm, không bao giờ được qua 9 năm, đan sĩ phải khấn trọng hoặc hồi tục, hoặc tự ý hoặc bị loại trừ hợp luật.

166. I. Do việc tuyên khấn trọng, đan sĩ tận hiến cho Thiên Chúa trong Dòng cho đến chết.

II. Do hiệu quả của việc khấn trọng, những hành vi nào trái nghịch với lời khấn, không những là bất hợp pháp mà còn vô hiệu, nên có thể bị tiêu hủy giá trị.

167. I. Để cho việc tuyên khấn trọng được hữu hiệu, ngoài việc tuân giữ luật chung, việc tuyên khấn phải được đọc theo công thức lời khấn của chúng ta, và được tiếp nhận bởi Bề trên Tổng quyền Dòng, Đan viện Trưởng hay Phụ tá Đan viện Trưởng Nhiếp chính, hoặc một đan sĩ đại diện các ngài.

168. II. Công thức tuyên khấn trọng cúng giống như tuyên khấn tạm (xem HP số 157), nhưng thay thế “trong 3 năm” hay “1 năm” bằng “cho đến chết”.

169. Sau khi một đan sĩ khấn trọng, ngoại trừ những điều đã dự liệu trong việc khước từ tài sản làm trước đó, hết mọi tài sản chị em thủ đắc bất cứ vì danh nghĩa gì đều thuộc về đan viện mà chị nhập tịch.