Trên một con đường, chọn một hướng đi.



Chúa Nhật Thường Niên 15, năm C


“Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô” (Lc 10,30)


Suy niệm:

    Đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô là tượng trưng cho con đường lữ hành cuộc đời của mỗi người chúng ta phải trải qua. Nhưng khác một điều là chúng ta sẽ chọn đi theo hướng nào trên đoạn đường này: Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô hay theo hướng ngược lại? Câu trả lời dành riêng cho mỗi người.

    Chúng ta cùng nhau quan sát những con người đi từ hai hướng khác nhau. Người ta thường nói: “Đa số thắng thiểu số”. Ta hãy quan sát kỹ để lựa chọn đi theo số đông hay chọn một hướng chẳng mấy ai đi.

    Chúng ta cùng nhìn về những người từ Giêrusalem đi xuống, họ là những ai? Người bị rơi vào tay kẻ cướp; Thầy tư tế; Thầy Lêvi. Tất cả đều có một điểm chung là họ đều rời bỏ Giêrusalem, nơi thánh thiện để đi về phía Giêrikhô, miền đất của bóng tối. (Chữ Giêrikhô trong tiếng Do Thái có nghĩa là “thành phố mặt trăng”, chắc chắn để kỷ niệm việc thờ kính xa xưa. Vị thần của ban đêm). Nghĩa là họ xa rời Thiên Chúa, bỏ việc phụng thờ Thiên Chúa. Và ta thấy cuộc đời của họ, người thì rơi vào tay kẻ cướp; hai thầy tư tế và Lêvi là những người phải luôn luôn trong đền thánh để thờ phượng Chúa thay cho dân, nay họ cũng rời bỏ đền thờ và chọn hướng “đi xuống”. Xa rời đền thờ nghĩa là xa rời mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và từ đó kéo theo mất tương quan với anh chị em xung quanh. Khi nhìn thấy người bị nạn, họ “tránh qua bên kia” mà đi. Kinh thánh không kể là cả hai cùng đi với nhau, mà là từng người đi riêng, gặp nạn nhân ở hai thời điểm khác nhau, không ai bảo ai nhưng lại hành xử rất giống nhau là tránh qua bên kia mà đi. Ta thấy được hệ quả của việc khi ta xa rời Thiên Chúa, loại bỏ sự thánh thiện thì các mối tương quan lập tức bị đứt gãy. Bức tranh của thế giới hôm nay là một điển hình về hệ quả của tư tưởng đẩy Thiên Chúa ra ngoài cuộc đời.

    Người Samari bị coi là người dân ngoại nhưng ông lại đi theo hướng lên Giêrusalem. Ông là người đại diện cho những người tội lỗi, yếu đuối, nhưng mắt hướng về trời cao, về nơi cực Thánh, về Giêrusalem Thiên Quốc. Trong khi ba người trên được mô tả là “đi xuống,” chỉ mình ông, tuy Kinh thánh không nói rõ nhưng với xuất xứ là người Samari thì hiểu rằng ông đang trên hành trình lên Giêrusalem. Để làm gì ta không biết! Nhưng ta thấy những gì ông mang theo là những gì cần cho việc tế tự như “dầu, rượu,” hai thứ mà các tư tế sử dụng trong việc dâng lễ tế cho Đức Chúa. Với hướng đi về Giêrusalem, về chốn thánh thiện, làm cho ông có đôi mắt mở rộng. Ông không thể nào “tránh qua bên kia” khi đối diện với người anh em mình đang chịu thương tích. Có lẽ ông sẽ không có một giây phút nào để suy nghĩ và tự hỏi: đây là người Samari hay không phải người Samari để tôi giúp? Ông không quan tâm rằng anh ta là người đi từ Giêrusalem xuống hay từ Giêrikhô đi lên. Anh ta có phải là tư tế? Hay là thầy Lêvi?... Mình giúp anh ta thì có mắc luật tội gì không? Ông không mất giờ với những câu hỏi dư thừa. Ông đã lại gần lấy dầu, lấy rượu mà xức vết thương cho người bị cướp. Ông cũng không so đo là rượu và dầu này đã có mục đích rồi. Ông cũng không đắn đo là anh này có ngon lành không để xứng đáng với dầu, rượu quý của mình và công sức mình đã bỏ ra để cứu anh. Nhưng với người Samari thì lúc này người bị thương chỉ có ông là người thân cận.

    Người Samari đã hành động để ta thấy thế nào là tin, thế nào là bác ái. Không cần phải cờ quạt linh đình, không cần khẩu hiệu biểu ngữ. Nhìn người ta hành động thì sẽ biết họ là ai. Ông đã cho tất cả những gì mình có: dầu, rượu, lừa, sức lực, lòng tin, niềm hy vọng đặt ở nơi người chủ quán. Ông không sợ người chủ quán sẽ có thể quỵt số tiền của ông mà không lo cho người bị thương tích hay nghi ngờ chủ quán sẽ lấy nhiều hơn những gì cần phải chi trả. Ông nói với người chủ quán: “Hãy chăm sóc cho người này, tốn kém thêm bao nhiêu thì khi trở về chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Ông sẵn sàng trở thành người liên lụy với người bị thương tích.
    
    Noi gương người Samari, chúng ta sẽ mang gì đi đường? Là những người lữ hành trên con đường hy vọng tiến về Thành Thánh, ta cũng sẽ được coi như một người dân ngoại. Khi số đông đang trở xuống với cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất hưởng thụ, một cuộc sống không muốn bị lệ thuộc, gò bó vào tôn giáo hay một Đấng cản lối cuộc sống tự do của họ. Chúng ta có dám can đảm đi theo hướng ngược lại? Liệu chúng ta có dám từ bỏ, hy sinh những gì đang có, những gì đang mang theo làm hành trang, vì một người anh em đang nguy khốn, dù là người dưng, để trở nên thân cận, nâng đỡ họ, chữa lành vết thương, và trao cho họ một cuộc đời mới, một sức sống mới trên con đường sự sống?


Cầu nguyện

    Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh người Samari là hình ảnh của chính Chúa đối xử với nhân loại chúng con. Chúa đã lên án nền tôn giáo chỉ nặng tính thuế má chất lên vai con người, làm ngơ trước đau khổ của con người và lên án nền luật lệ làm ngơ trước cuộc sống thực tế đầy đau khổ. Nhưng Chúa cũng sẽ lên án chính chúng con, những người Kitô Hữu, khi chúng con có đạo mà không sống đạo nhưng chỉ chăm chăm giữ đạo với hình thức bề ngoài bóng bẩy. Xin cho chúng con thấm nhuần tình yêu của Chúa và dám đi ngược dòng đời, mắt hướng về Giêrusalem thiên quốc và trở nên người thân cận cho anh chị em. Amen.