Vài kỷ niệm với Đan viện Đa Minh


Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Đan viện Đa Minh, Việt Nam (2014-2024), cha Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P. có ngỏ ý để tôi viết vài dòng về chị em đan viện. Thú thật, bản thân tôi chưa tiếp xúc nhiều và cũng không hiểu biết nhiều về đời sống của quý chị em, nhưng thiết nghĩ đây là dịp để tôi gợi nhớ lại một vài kỷ niệm của mình với đan viện, và đó cũng là những bài học quý giá cho đời tu Đa Minh của bản thân.


1. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi đến thăm Đan viện Đa Minh, Ngũ Phúc là vào ngày 31.5.2016, năm ấy tôi đang trong Năm Tập. Không biết từ bao giờ có truyền thống khá hay, mỗi năm, vào ngày lễ Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabeth cũng là dịp để anh chị em gia đình Đa Minh Việt Nam đến thăm hỏi và chia sẻ huynh đệ với quý chị đan sĩ. Tối hôm trước, 14 anh em tập sinh chúng tôi được cha Giáo Tập thông báo cho biết là ngày mai, Nhà Tập sẽ qua thăm quý chị ở Đan viện Đa Minh. Nghe thế, anh em chúng tôi vui mừng háo hức ra mặt, một phần là vì trong Năm Tập, mỗi lần được phép ra khỏi ngoại vi tu viện là lấy làm sung sướng lắm, phần nữa là vì dịp này sẽ được ghé thăm quý chị đan sĩ, vốn đã được nghe nói đến nhiều mà vẫn chưa có cơ hội gặp gỡ (cộng thêm một niềm vui nho nhỏ nữa là chỉ có anh em chúng tôi đi thôi, cha Giáo bận việc không đi cùng!). Sáng hôm sau, anh em chúng tôi áo dòng nghiêm chỉnh, leo lên chiếc xe Daihatsu cha Giáo thuê, chở 14 “ông thầy” tập sinh qua đan viện Ngũ Phúc. Chuyện đáng nhớ là loại xe này giống như xe lam, không chỉ có mui mà cả ba phía đều “trần” cả, 14 ông thầy nhí mặt non choẹt, chuỗi áo xông xênh, cứ thế ngồi trên xe chạy ngoài quốc lộ, mặt đối diện với mọi người đi đường, ai thấy cũng đều ngạc nhiên. Xảy ra là, vì không có người dắt đi, mà chúng tôi chỉ nghe nói chứ nào biết Đan viện là ở đâu, khi đi bác tài xế cứ luôn miệng khẳng định là cứ yên tâm, con biết chỗ mà, kết quả là bác chở thẳng đến trước cửa… tu viện Dòng Tên, cũng ở gần đó. 14 anh em xuống bấm chuông, thầy trực cổng trợn tròn mắt khi bỗng đâu một ngày đẹp trời, lại có chuyện lạ, tập sinh O.P. đến thăm S.J. thế này!

Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến, khi tới nơi đã thấy đông đủ mọi người, phái đoàn nhà Giám tỉnh do Cha Phụ tá Giám tỉnh làm trưởng đoàn, ngoài ra còn có đông quý chị em đại diện cho các Hội dòng Nữ Đa Minh, và có cả các cô chú trong Ban đại diện Huynh đoàn Giáo dân. Mọi người gặp nhau vui vẻ trò chuyện như những người thân trong gia đình lâu ngày gặp mặt.
 
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đan viện là bầu khí thánh thiện của nếp sống đan tu. Lần đầu tiếp xúc với chị em đan sĩ, mà trong Dòng vẫn thường gọi với danh xưng “chị em Dòng Nhì”, tôi ngắm nhìn áo dòng của các chị, bộ tu phục tuy quen thuộc nhưng lại có nét đặc biệt. Cũng bộ áo dòng trắng với lúp đen, nhưng lại có thêm một cánh yếm bao trọn phần cổ và vai, theo kiểu tu phục thường thấy trong các bộ phim thời Trung cổ. Với thời tiết nắng nóng của Việt Nam, việc mặc tu phục suốt ngày như thế phần nào nói lên tinh thần khổ chế của chị em. Vì nhiều lý do mà khuôn viên của Đan viện còn khá chật hẹp và chưa được bố trí theo đúng khuôn mẫu nội vi của một đan viện đúng nghĩa, nhìn qua thì không khác biệt gì mấy so với một cộng đoàn nữ tu bình thường, nhưng chính điều này đem lại cho những ai đến đây cảm giác gần gũi và không quá nghiêm cẩn, gò bó. Vì là nếp sống đan tu, nên quý chị đan sĩ vẫn giữ nghiêm truyền thống tiếp khách và trò chuyện thông qua một bức ngăn song gỗ. Tuy không gian chuyện trò có bị ngăn cách nhưng không vì thế mà cản trở tình thân, cùng với những câu chuyện vui và tiếng cười tràn đầy nghĩa tình huynh đệ. Bài học tôi nhận được từ chuyến thăm lần này là niềm vui và sự bình an, được bộc lộ rõ nơi khuôn mặt và qua cung cách giao tiếp nhẹ nhàng của quý chị đan sĩ. Có lẽ phần đông quý chị ít có cơ hội và điều kiện để gặp gỡ với anh chị em gia đình Đa Minh, nhưng không vì thế mà cảm thấy xa lạ hay ngại ngùng, mọi người đều có chung một cảm giác thân quen đến lạ, vì lẽ tuy chưa hay ít gặp nhau, nhưng chúng ta đều là anh chị em trong cùng một gia đình họ Đa, cùng chung chia một linh đạo và sứ vụ.

2. Lần thứ hai ghé thăm đan viện, cũng là khoảng thời gian cuối Năm Tập, tôi không nhớ rõ ngày nào, nhưng đó là dịp đan viện tổ chức ngày Mân Côi quốc tế. Một lần nữa đan viện lại mở cửa để đón chào anh chị em gia đình Đa Minh đến với đan viện, lần này không chỉ là để thăm hỏi nhau, mà còn là dịp để cùng nhau cử hành phụng vụ chung, cùng nhau đọc kinh Mân Côi và cử hành Thánh lễ. Khác với vẻ rụt rè của lần trước, lần này chúng tôi cảm thấy thân quen hơn, và vì là dịp đặc biệt nên quý chị đan sĩ cũng được phép nới lỏng hơn luật nội vi, có thể ra bên ngoài gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Dịp này chúng tôi có cơ hội để trao đổi và hiểu rõ hơn về tinh thần, nếp sống và thời gian biểu sinh hoạt trong ngày của quý chị. Thú thật là với một tập sinh, thời gian Năm Tập được xem như là khoảng thời gian anh em dành trọn vẹn để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, xa lánh những ồn ào bên ngoài, tập trung cho việc sống thinh lặng và cầu nguyện, những tưởng mình như thế là đã “ngon lành”, đạo đức thánh thiện lắm rồi, nhưng so với quý chị thì còn thua xa. Lắng nghe những chia sẻ của chị em, tôi đi từ ngạc nhiên đến thán phục, bản thân tự hỏi không biết động lực và sức mạnh nào khiến cho các chị có thể từ bỏ mọi sự, chấp nhận giấu ẩn mình sau cánh cổng đan viện để sống một đời đan tu, chuyên chăm cầu nguyện và không tìm kiếm điều gì hơn ngoài chính Thiên Chúa. Đa phần quý chị lớn trong đan viện là những thành viên từ các Hội dòng nữ Đa Minh chuyển qua. Trong số đó có những chị đã từng nắm giữ những vị trí quan trọng như Tổng quyền hoặc Dì giáo, nay khi đến tuổi nghỉ ngơi, quý chị lại chọn nếp sống đan tu, sống đời dâng hiến của mình thêm gắn bó chặt chẽ hơn với Thiên Chúa, theo gương cha thánh Đa Minh. Và một điều đáng mừng nữa là cánh cửa đan viện vẫn tiếp tục đón nhận thêm những ơn gọi mới, những chị em trẻ chọn cho mình lối sống “lội ngược dòng” để tìm về với Nguồn Cội viên mãn. Khi trò chuyện với các chị em trẻ, tôi vẫn tìm thấy được đâu đó nét tinh nghịch, nhạy bén, lối nói dí dỏm, vui tươi, chứ không phải cách nói “hiền lành đến độ ngơ ngơ” của những người vốn bị tách biệt khỏi thế gian. Lần gặp gỡ này giúp tôi khám phá được thêm một chiều kích đẹp tuyệt vời của đời dâng hiến: sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Tuy sống thầm lặng trong bốn bức tường đan viện, nhưng không vì thế mà các chị cho phép mình làm ngơ với mọi sự thế gian. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có lần ví trái tim của người đan sĩ như ăng-ten đón nhận mọi sự việc của thế giới để rồi dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa.

Hành hương Kinh Mân Côi tại Đan viện, 23.6.2016

  Tác giả bài viết ngoài cùng bên trái, cùng với các thầy cùng lớp Tập

3. Và dịp đến thăm đan viện lần thứ ba của tôi mang tính riêng tư hơn. Sau khi về Học viện được một thời gian, thì sức khỏe của tôi có vần đề khá nghiêm trọng. Buồn chán và lo lắng, một mặt tìm cách chữa chạy, mặt khác tôi cậy nhờ những người thân quen nâng đỡ bằng lời cầu nguyện. Một ngày nọ, tôi chợt nhớ đến quý chị ở đan viện liền chạy xe xuống Ngũ Phúc. Bấm chuông cổng, tôi không biết mình nên xin gặp ai cả, vì thật ra tôi cũng không quen thân với chị em nào, thôi thì xin gặp ai cũng được. Và người tiếp chuyện tôi hôm đó là Chị Đan viện trưởng. Sau vài lời thăm hỏi, tôi chia sẻ với Chị nỗi lo lắng về vấn đề tôi đang gặp phải, và xin quý chị thêm lời cầu nguyện cho tôi. Chị Bề trên ân cần hỏi thăm, khích lệ và còn giới thiệu cho tôi một vài phương pháp chữa trị. Điều tuyệt vời nhất khiến cho tôi an lòng là Chị hứa sẽ nói lại với cộng đoàn để cầu nguyện cho tôi được bình an và mạnh khỏe. Cuộc thăm gặp tuy vắn vỏi nhưng đem lại cho tôi sự nâng đỡ thật nhiều. Bẵng đi một thời gian dài, tôi càng cảm động hơn khi có một cha gặp tôi và nhắn là quý chị đan viện vẫn nhớ và hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. Từ đó đến nay cũng đã khá lâu mà tôi vẫn chưa có dịp để ghé lại thăm và cảm ơn chị Đan viện trưởng cùng quý chị em.

Trên đây chỉ là vài dòng kỷ niệm vụn vặt mang tính cá nhân, nhưng cũng phần nào nói lên tấm lòng trân quý cũng như sự kính trọng của tôi gửi đến quý chị em Đan viện Đa Minh, Ngũ Phúc. Chia sẻ trong thánh lễ tạ ơn dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Đan viện, cha Phụ tá Giám tỉnh Phaolô Nguyễn Minh Tuấn, O.P. đã gọi các chị đan sĩ là người cưu mang những thương tích của nhân loại trong cuộc đời mình để cùng nhân loại bước đi trên cuộc hành trình này. Và quả thật như thế, các chị đang sống và diễn tả đời sống chứng tá Tin mừng của mình cách trọn hảo qua nếp sống đan tu, chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của việc chiêm niệm. Cầu chúc cho những hoa trái thánh thiện mà quý chị em đang âm thầm gieo trồng sẽ trổ bông chín vàng trong ngày mùa sau hết. 10 năm, tuy chỉ mới là một cột mốc nhỏ trong dòng chảy thời gian, nhưng cũng đủ để làm sáng ngời lên nét đẹp của đời thánh hiến đan tu Giảng Thuyết trên dải đất Việt.

Tu xá Đa Minh, Đà Nẵng,
Lễ Đức Mẹ Fatima, 13.5.2024

G. Trọng Tiên, O.P.