Sức mạnh của đôi bàn tay không

(Chuyển dịch bài giảng của cha Manuel Merten, O.P., Đặc trách các Đan sĩ Đa Minh trong dịp tuyên khấn trọng của chị Maria Rose Đinh Thị Ngọc Hương O.P., 2005.)


Andreas English sinh năm 1963, học nghề văn chương và báo chí. Anh trở thành ký giả La Mã cho một số tờ báo và tạp chí bằng tiếng Đức rất nổi tiếng, phát hành khắp nơi. Năm 1995 anh được gia nhập vào nhóm phóng viên đặc biệt của Tòa Thánh Vatican vốn là những người được phép tháp tùng Đức Giáo Hoàng trên phi cơ chuyên biệt của Giáo Hoàng trong các chuyến công du mục vụ. Vào thời điểm đó, các bài báo và bình luận tường thuật về Giáo Hoàng của anh thường bị cắt xén, chỉ trích rất khắt khe. Thế nhưng năm 1999 sự kiện đó đã thay đổi hoàn toàn, và tôi muốn nói với anh chị em về cái lý do tại sao ấy.

Năm ấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực hiện chuyến công du Ấn Độ. Một trong các ý định của ngài là đến viếng thăm đài tưởng niệm Mahatma Gandhi.

Trước khi bước vào, ngài phải cởi giầy và mang săng-đan mới được tiến đến nơi tưởng niệm. Đây là một việc không dễ dàng chút nào đối với ngài, nếu anh chị em nhớ rằng lúc bấy giờ ngài đã 79 tuổi. Giới truyền thông đại chúng dường như chỉ chú tâm đến một việc duy nhất là chụp được một tấm hình Đức Giáo Hoàng đi chân đất. Tôi xin trích nguyên văn một đoạn trong cuốn sách nói về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của anh Andreas English, một nhà báo người Đức đã tường thuật:

"Tôi nhớ như in là hôm đó tôi đứng nép gần bên bức tường trắng toát của Đài tưởng niệm, tôi cảm thấy chán ngấy khi một bà già người Ấn khoác áo Sari nói với tôi:

-Này, anh có nhận thấy đây là giây phút trọng đại khi Giáo Hoàng hiện diện nơi này không?

"Tội nghiệp cho bà già", tôi thoáng nghĩ. "Bà quả chẳng hiểu gì hết. Trong đầu óc tôi lúc này chẳng có chút gì hãnh diện gì về điều đó. Đối với các phóng viên đang ở đây, ý định của Giáo Hoàng chẳng có can hệ gì. Họ chỉ cầu mong Giáo Hoàng thi ân cho họ bằng một cú bổ nhào xuống đất để họ chớp được một tấm hình tuyệt hảo làm trang bìa cho một tờ báo bán chạy nhất.

-Vâng, Giáo Hoàng hiện diện tại đây quả là một biến cố. Tôi trả lời cho qua.

-Chắc anh ngưỡng mộ ngài cũng như chúng tôi ngưỡng mộ Gandhi phải không?

Tôi trả lời cụt ngủn:

-Có thể.

Bà già chăm chú nhìn tôi và khoe:

-Tôi biết ro Gandhi lắm, tôi đã thấy ngài kéo sợi và dùng thoi để dệt vải đấy.

Tôi trả lời:

-Vậy à!

-Đúng thế, chính phủ Ấn đã yêu cầu tôi đến đây như một chứng nhân.

-Thú vị quá! Tôi nói.

Ngừng một lát rồi bà nói:

-Gandhi chẳng có gì cả, ngài chỉ có hai bàn tay trắng và một niềm tin Ấn giáo. Thế nhưng đế quốc Anh hùng cường cùng với tàu chiến và quân lực không thể chiến thắng được đôi bàn tay trắng. Họ không thể chống lại được với một tín đồ Ấn giáo nhỏ bé này. Đức Giáo Hoàng cũng thế. Ngài không có bất cứ quân lực nào, ngài chỉ có hai bàn tay trắng như Gandhi, nhưng cả khối Xô Viết cũng không thể chống lại cũng chẳng có cơ may chiến thắng được niềm tin và sự tín thác sâu thẳm nơi Thiên Chúa giải thoát. Phải chăng sự vĩ đại của Thiên Chúa là điều không đáng tin sao?

Tôi ngạc nhiên, buộc miệng nói:

- Gandhi là một tín đồ Ấn giáo mà!

Bà ta phì cười và nói:

- Tôi cũng là một tín đồ Ấn giáo vậy, nhưng từ khởi điểm này -anh biết không- tôi đã xác tín rằng: chúng ta là anh em với nhau, dù là Ấn giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, chúng ta đều có cùng nhân phẩm được Thượng Đế yêu thương.

Bà ngừng một lát rồi tiếp tục:

- Tôi biết được điều này từ khi tôi đọc "bài giảng trên núi" của Chúa Giêsu người Nazaret, chắc anh cũng biết bài giảng này?

- Vâng tôi biết, nhưng này, tại sao bà đọc bài đó?

Bà ta ngạc nhiên nói:

- Anh không biết sao, Mahatma Gandhi đã có lần nói: "Bài giảng trên núi của Đức Giêsu người Nazaret là nền tảng cho mọi khoa học đạo đức. Các phán đoán chân thật về cái ác cái thiện đều dựa trên những lời rao giảng của con trai bác thợ mộc bên bờ hộ Genezaret, một nơi nào đó trong nước Israel."

Trên đây là trích đoạn trong cuốn sách nói về Đức Gioan Phaolô II của nhà báo Andreas English. Tôi hết sức cảm động khi đọc chính đoạn văn ở trên.

Chưa bao giờ tôi được nghe một bài tóm lược "Bài giảng trên núi" cách vắn gọn và rõ ràng hơn bài của người phụ nữ Ấn giáo này. Chỉ có những người tin vào quyền lực của đôi bàn tay trống rỗng mới cảm nghiệm được sự vĩ đại lạ lùng nơi Thiên Chúa - sự trung thành yêu thương của Người.

Thực sự đó là điều mà toàn thể Tin Mừng nói đến, là việc hoàn cả nhắm tới: "Đừng cậy dựa tin tưởng vào sức lực, tài năng của chính mình hay của người nào khác, vào tiền của, vào tài sản hay bất cứ sự gì bạn có thể sở hữu". Cuối cùng nó chẳng làm cho bạn hạnh phúc hay thành công - bao lâu bạn còn tin vào chúng, bạn vẫn còn bước đi trong sự sai lầm, thậm chí bạn phản bội chính mình nữa: "Đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt là hư nát và kể trộm khoét vách lấy đi, nhưng hãy tích trữ kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó". (Mt 6,19tt)

Trung tâm và điểm hội tụ của Tin Mừng là sứ điệp về "sức mạnh của đôi bàn tay trắng": "Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, phúc thay ai sầu khổ, phúc thay ai hiền lành, phúc thay ai khao khát, phúc thay ai xót thương người, phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, phúc thay ai xây dựng hòa bình, phúc thay ai bị bắt bớ vì sự công chính…Tất cả những người được nhắc tới ở đây trong "Bài giảng trên núi" đều là "những người chỉ có đôi bàn tay trống rỗng", họ chẳng còn gì để tin cậy vào ai, ngoại trừ Thiên Chúa. (Mt 5,1-12).

Trong nấc thang những giá trị Nước Trời, trong khung giá trị Phúc Âm, sự trống rỗng, bất lực và không dính bén đến thực tại trần thế được coi như những điều tiên quyết. Bao lâu người ta chưa hiểu được mầu nhiệm "sức mạnh của đôi bàn tay trắng" người ta vẫn chưa được chúc phúc, người ta vẫn chưa có hạnh phúc, người ta vẫn chưa đạt tới đời sống xứng đáng mà hy vọng được mời gọi. "Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế gian mà lại thiệt mất mạng sống thì nào có lợi ích gì?" (Mc 8, 35tt)

Xuyên suốt Thánh Kinh, ngay từ đầu người ta đã thấy dấu ấn của mầu nhiệm này. Tôi chỉ cần trích dẫn một câu Thánh Vịnh: "Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng, chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh, nhưng ưa chuộng những ai kính sợ Chúa, và cậy trông ở tình thương của Người". (Tv 147, 10tt)

Một lần nữa, "từ bỏ thế lực", dứt bỏ nó theo bất cứ nghĩa nào, là điều kiện tiên quyết để có được kinh nghiệm và hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa. Tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với hầu hết những ý tưởng và quan niện bình thường của chúng ta. Chúng ta tìm kiếm quyền lực, chúng ta bận tâm tới sự an toàn, chúng ta cậy dựa vào đồng tiền và hàng chữ viết đánh lừa trên đồng dollar: "Nơi Thiên Chúa chúng tôi tin tưởng"- và các môn đệ cũng thế thôi sau những năm được Chúa Giêsu huấn luyện. Một tối kia khi các ông về tới nhà. Chúa Giêsu hỏi: "Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Nhưng các ông im lặng vì các ông đã tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33t). Chúa Giêsu lại ra công dạy cho các ông biết hạnh phúc thật là gì. Ngài đặt một em bé trước mặt các ông và nói: "Qủa thực Thầy nói với anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn như một trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." (Mc 10,15)

Chắc chắn con trẻ ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng. Bất cứ ai quan sát những người nghiêm khắc họ thay đổi thế nào trước sự hiện diện của một em bé thì sẽ khám phá ra điều đó - nhưng trẻ con không thay đổi môi trường sống của chúng bằng sức mạnh vì chúng chẳng mảy may có quyền lực. Trẻ em thay đổi thế giới xung quanh chúng chỉ bằng sự bất lực của chúng. "Quả thực Thầy nói với anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn như một trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời". (Mc 10,15)

Cố gắng hiểu mầu nhiệm này, chúng ta cũng đụng chạm tới mầu nhiệm mang ý nghĩa tràn đầy của đời sống các nữ đan sĩ, ý nghĩa lời khấn trọng của nữ tu Maria Rose. Xét theo khung giá trị đời thường, một đời sống ẩn dật, một đời sống từ bỏ, vâng phục và không có quyền hành, thật chẳng có ý nghĩa gì; nhưng trong khung giá trị Nước Trị Nước Trời, nó trở thành chứng tá rất ý nghĩa cho mầu nhiệm "sức mạnh đôi bàn tay trắng". Ngày qua ngày, các nữ đan sĩ của chúng ta rao giảng và công bố mầu nhiệm này bằng chính đời sống của chị em. Đôi bàn tay của các chị trống rỗng quyền lực thế gian, nhưng đầy ắp sức mạnh của lời cầu nguyện.

Trước đây hai năm, chị Mary Rose, và chị Mary of the Holy Trinity và tôi có dịp thăm Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn. Tôi hỏi ngài: "Đức Cha nghĩ đâu là lý do chính đáng cho việc phát triển mạnh mẽ của giáo hội Việt Nam?" Không chút ngần ngại, ngài đáp: "Tôi tin rằng đó chính là sự bất lực của chúng tôi, sự bất lực làm cho chúng tôi nên mạnh mẽ".

Chị Maria Rose thân mến, chỉ trong mấy phút nữa chị sẽ tuyên khấn để trở thành nữ đan sĩ Đa Minh. Chị sẽ đặt đôi tay trống rỗng của chị trong lòng bàn tay cũng trống rỗng của Bề trên chị. Rồi chị sẽ khấn Đức vâng phục theo Tu luật thánh Augustin và Hiến Pháp nữ Đan sĩ Dòng Thuyết Giáo. Hạn từ "vâng phục" biểu trưng cho sự bất lực. Chị hiến dâng bản thân, trọn đời cho mầu nhiệm của đôi bàn tay trống rỗng.

Ước gì việc tuyên khấn của chị trở thành ý nghĩa cho chính bản thân chị để đạt tới sự thánh thiện. Mong sao nó cũng trở thành chứng tá hùng hồn cho tất cả mọi người chúng ta qui tụ nơi đây trong thánh kễ này, và nó còn hơn nữa, cho giáo hội Việt Nam rằng có chân lý thực trong lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Trời: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được" (Mt 10,39).

Chị Maria Rose và các chị nữ đan sĩ Đa Minh thân yêu, chúng tôi chân thành cảm ơn đời chúng tá của các chị.