Linh Đạo Đức Maria Thánh Linh


_Lm. Giuse Nguyễn trọng Viễn O.P._

Mối liên hệ giữa Đức Maria và Thánh Linh gắn liền với lịch sử ơn cứu độ và là một trong những yếu tố chính yếu làm nên lịch sử ơn cứu độ, đến độ ta chỉ có thể hiểu được Đức Maria cũng như hiểu được Giáo hội trong mối tương quan mật thiết ấy mà thôi.

1. Trong Thánh linh, Đức Maria trở nên “thụ tạo mới”


* Đức Maria, thụ tạo mới


Trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác với Người trong công trình cứu độ nhân loại.

Tin Mừng Luca, mặc dù được viết cho người Hy lạp, nhưng vẫn nằm trong dòng truyền thống Do Thái Kitô giáo. Đức Benedicto XVI cho thấy Tin Mừng thơ ấu của Luca gắn liền với tâm thức và những hình ảnh trong Cựu Ước.

Luca 1,35 : “Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Đầu tiên, ta thấy lời công bố này gợi lại hình ảnh khởi đầu của công trình sáng tạo: “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Như thế, Tin Mừng Luca hàm chứa ý nghĩa, trong tác động của Chúa Thánh Linh, Đức Maria chính là tạo thành mới.

Một tạo thành mới trong Thánh Linh, đây là biến cố khai mạc một thế giới mới nơi Đức Maria, mở ra một chân trời mới cho toàn thể nhân loại.

* Thụ tạo mới trong Thánh linh


Tin Mừng Matthêu trình bày về sự công chính mới của thánh Giuse; Tin Mừng Luca trình bày về thụ tạo mới nơi Đức Maria, cả hai đều được Chúa tuyển lựa để làm chứng cho một đẳng cấp mới, với những đường nét tinh thần mới của người tín hữu.

- Bước vào hành trình sống đức Tin như một cuộc phiêu lưu;
- Tinh thần tự nguyện vượt quá lề luật;
- Thái độ vâng phục trong tình nghĩa;
- Để cho nhiệm cục cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa được thực hiện.
- Tin như cuộc đối thoại với Chính Chúa;
- Sự tự do của con cái Chúa;
- Buông cuộc đời mình theo nhiệm cục cứu độ.

2. Trong Thánh Linh, Đức Maria trở nên “Nhà Tạm Mới”


Đoạn văn Luca 1,35 còn hàm chứa ý nghĩa Đức Maria trở nên như một “nhà tạm mới”, vì Tin Mừng gợi lại sự kiện đám mây bao phủ trên Lều Hội Ngộ trên hành trình 40 năm trong sa mạc. (x. Xh 40, 34-35)

Như thế, Đức Maria đã đồng hành với nhân loại trong dòng lịch sử như Nhà Tạm Mới, hoặc nói cách khác, Đức Maria chính là Hòm bia Thiên Chúa để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa viếng thăm Dân của Người.

Đức Maria đã mang Chúa đến cho gia đình ông Dacaria và bà Elisabeth, thánh hóa Gioan Tẩy giả ngay trong dạ mẹ.

- Đức Maria góp phần cho Đức Giêsu trở nên như Vị Hôn Phu đích thực của nhân loại trong biến cố tiệc cưới Cana.

- Đức Maria lãnh nhận người môn đệ Chúa yêu trên đồi Canvê.

- Cũng thế, Đức Maria cùng cầu nguyện với cộng đồng Dân Chúa trong những ngày chờ đợi để lãnh nhận Thánh Thần.

Điều này cho thấy ý nghĩa của đan viện Đức Maria Thánh Linh, Đan viện trở nên như Đức Maria, đóng góp vai trò như là “nhà tạm” cho nhân loại, cho Giáo hội Việt Nam… Nơi đây đan viện diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng nhân loại trong mọi tình huống, mọi biến cố, mọi con người trong thế giới đầy biến động hôm nay.

- Ý thức Thiên Chúa ở cùng, sợi chỉ đỏ của toàn bộ lịch sử Cựu Ước, cũng được thể hiện trong Đan viện như nơi nhắc nhở, nơi công bố, nơi thể hiện mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng.

3. Trong Thánh Linh, Đức Maria làm chứng về “Vương Quốc Mới” của Thiên Chúa


Hình ảnh người phụ nữ trong sách Khải huyền chương 12,1 được giải thích theo hai khuynh hướng thần học, một đàng hiểu người phụ nữ ấy là hình ảnh Giáo hội; đàng khác thì hiểu là hình ảnh Đức Maria. Nhưng thật ra ta có thể hiểu hình ảnh ấy gồm gói cả hai ý nghĩa, vì Đức Maria vừa là thành phần của Giáo hội và vừa là hình ảnh tiên trưng của Giáo hội.

“Một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” 

(Kh 12, 1)

Và đây là hình ảnh Đức Maria hoặc Giáo hội hiển lộ sự chiến thắng giữa lòng cuộc chiến gay gắt với thế lực của “Con Mãng Xà”. Hình ảnh này nhắc lại điều đã được tiên báo trong sách Sáng Thế :

“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” 

(St 3,15)

Cuộc chiến ấy vẫn còn rất gay go trong thế giới hiện nay, nhưng Sách Khải Huyền cho thấy Thiên Chúa đã chiến thắng để xây dựng một “trời mới đất mới”, một “Giêrusalem mới” :

“Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén đầy bảy tai ương cuối cùng, một vị đến bảo tôi: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.”. Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê” 
(Kh 21, 9-11)

Tất cả diễn tiến chiến cuộc và sự chiến thắng ấy được chung đúc trong đoạn văn cuối cùng của Sách Thánh với sự kết hợp giữa Thần Khí và Tân Nương:

“Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!” Ai nghe, hãy nói: “Xin Ngài ngự đến!” Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền.”
(Kh 22, 17)

Vương Quốc chung cuộc của Thiên Chúa, được chung đúc trong hình ảnh Đức Maria và Thánh Linh, một Vương Quốc đang tha thiết kêu mời Thiên Chúa mau thành toàn và kêu mời mọi người cùng đến chung hưởng.

4. “Văn hóa đức Tin” của cộng đoàn Đức Maria Thánh Linh


Trong ý nghĩa ấy, đan viện vẫn đang chung chia những vất vả của xã hội và Giáo hội, nhưng vẫn tỏa rạng niềm vui mừng vì cuộc chiến thắng đã được Thiên Chúa xác định. Dù vẫn còn nhiều khó nhọc, đan viện luôn tỏa rạng niềm vui cùng với Đức Maria Thánh Linh như đang ở trong Vương quốc mới của Thiên Chúa. Theo mẫu gương của Đức Maria, “văn hóa đức tin” của cộng đoàn Đức Maria Thánh Linh chính là :

- Tinh thần tự do, tự nguyện như một thụ tạo mới,
- Sống thái độ liên lụy và đồng hành với con người như nhà tạm mới,
- Luôn nếm cảm nỗi vui mừng trong niềm hy vọng cánh chung vì đang ở trong Vương Quốc mới của Thiên Chúa…