Chúa thật là Đấng dưỡng nuôi ta


_Đs. Mai Hoa, OP._

Thời đó tôi đang là một Giáo viên trường Mầm non, bỗng một ngày, tôi nghe tiếng Chúa mời gọi bước theo Ngài trong ơn gọi tu trì. Tôi “ra đi và tìm kiếm nơi khởi đầu” của tiếng gọi ấy. Mọi người, anh chị em, bạn hữu, đồng nghiệp đều nhìn tôi với con mắt đầy những dấu chấm hỏi, “Ơ! Con nhỏ này dở hơi!??.” Tôi mặc kệ, tôi ra đi, tôi biết điều mình đang làm, và Thiên Chúa – Đấng đã gọi tôi – biết những ý định của Ngài dành cho tôi.

Những ngày đầu ở một Dòng tu Đa Minh hoạt động, tôi có nghe nói đến Dòng kín khi tôi được xem và đọc về các thánh như : Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Têrêsa Avila… lòng tôi lúc đó “bừng cháy lửa khát khao”, mà dạ thì “chẳng dám ước ao!” Bởi vì đối với tôi lúc ấy, các vị đều là những bậc “đại thánh” cả! Các ngài đều là những con người đặc biệt, và ơn gọi ấy là một ơn gọi thật đặc biệt và phải được Chúa kêu gọi cách riêng. Nhìn lại mình, tôi… chẳng thấy có được điểm nào! Tôi nghĩ có lẽ Chúa chỉ kêu gọi ai ai … đó, chứ cỡ như tôi thì… “làm gì có cửa!”... Và rồi ngọn lửa ấy vẫn cháy, vẫn âm ỷ, vẫn cồn cào phập phồng trong tôi mỗi khi có một chút gió nhẹ thổi vào. Nó chỉ chờ cho thêm một chút “xúc tác nhẹ” là sẽ bừng lên mãnh liệt… Chúa đã thực hiện điều Ngài muốn, còn tôi, tôi xác tín mạnh mẽ vào lời mời gọi mà tôi đã ‘nghe’ thấy bằng cả trái tim.

Khi tôi gia nhập Đan Viện Đa Minh Việt Nam này, điều đầu tiên khiến tôi thắc mắc và có phần lo lắng là: “Các đan sĩ lấy thức ăn từ đâu ra trong khi chẳng thấy có chị nào đi chợ?” Những điều tôi thấy và biết là các chị chỉ mua gạo, vì tôi thấy người ta chở đến rồi chị quản lý ra trả tiền, còn cá, thịt, rau thì lấy ở đâu? Ngôi nhà của Đan viện thì chỉ có một dúm, không đủ chỗ cho người ở và thở thì chỗ đâu mà trồng cấy hay chăn nuôi được gì? Không lẽ… từ trên trời rơi xuống thật sao! Lạ lùng!!! Lạ lùng!!!

Chị quản lý có lẽ đoán được ý tôi nên chị bảo: “Chúa nuôi em ạ!” Tôi nghĩ bụng: “Chúa nuôi thì cũng phải thực tế chứ!...” Thật vậy, cứ cách mấy ngày lại có một chú chở rau đến. Nào rau củ quả, trái cây, nào hành nào hẹ… linh tinh đủ thứ cả!

Cứ mỗi lần như thế chị quản lý lại bảo tôi, “Chúa nuôi đấy em ạ!” Có hôm thì có rau tươi ngon, có hôm thì vàng úa… , trái cây thì dập, linh tinh, hầm bà nhằng… tôi than thở: “Rau hư hết rồi!” Chị lại bảo tôi: “Chúa cho là tốt rồi! Chúa nuôi mình như thế đấy em ạ!” Nhiều lần như thế và hầu như lần nào cũng thế! Tôi phát ngán, và còn lấy làm khó chịu: “Người ta cho mình toàn rác thôi!” Nhưng điều làm tôi lại ngạc nhiên hơn là thái độ của chị quản lý. Chị nói: “Có sao đâu em! Cái nào ta ăn được thì ăn, cái nào ta không ăn được thì ta cho cá. Chúng thích lắm đấy em ạ! Cứ tạ ơn Chúa thôi em!” Sau này tôi mới biết rõ sự việc đó là sau khi tan chợ đêm, người ta cho rau từ buổi sáng, nhưng đến tối chú D. mới có thời gian đem đến cho chúng tôi, chính như vậy mà rau bị hư hỏng vì để ở ngoài trời nắng cả ngày.

Dần dà, tôi học được bài học lớn này là: “Phó Thác”. Quả thật, để tôi có thể nhận ra và đón lấy những ân huệ của Chúa không phải dễ. Tôi nghĩ cứ theo lẽ thường “Chúa dưỡng nuôi ta bằng lúa mì tinh hảo…” thì phải là những thứ tốt nhất, là thứ hảo hạng chứ! Tôi dùng con mắt trần tục của tôi mà đánh giá, mà xếp hạng Ân Sủng của Chúa! Nhưng tôi đâu biết rằng, đó là những thứ tốt nhất, hảo hạng và phù hợp cho tôi nhất theo sự quan phòng của Chúa. Tôi nói thế nhưng không dễ mà chấp nhận được. Vì trong cuộc sống và ở đâu cũng vậy thôi, có khi tôi gặp phải những thứ còn “thối hơn cả rau thối và ươn hơn cả cá ươn!” Nhưng, “có sao đâu!” tạ ơn Chúa, vì tất cả đều là hồng ân! Chúa thật là Đấng dưỡng nuôi ta.

Có hôm, người ta quý các Dì lắm! Cho các Dì nguyên cả một sọt cam. Thế là cả nhà được ăn cam thoải mái, ăn bao nhiêu cũng được. Tôi hí hửng gọt ăn… “Mẹ ơi!... Chua hoa cả mắt!...” Nhưng tạ ơn Chúa, có người cho cam thì cũng có người cho đường… cả nhà được một bữa cười vui vẻ… Chúa thật là Đấng dưỡng nuôi ta.

Nhưng không phải lúc nào cũng là đồ hư, có khi Trung Thu đến rồi, thèm ăn bánh trung thu mà chẳng có và đột nhiên có một vị ân nhân mang bánh trung thu đến biếu tặng các Dì. Ơ! Tạ ơn Chúa! Hoặc là có khi người ta cho rất nhiều “thủ cấp của heo” (mà chỉ có hộp sọ thôi!), tôi ngạc nhiên vô cùng vì chưa bao giờ tôi thấy như thế cả. Nhưng cũng có lúc người ta cho nhiều đồ ăn, mà toàn đồ còn ngon cả, chúng tôi ăn đâu có hết nên chỉ lấy đủ phần, rồi còn lại bao nhiêu thì chia cho những người nghèo sống gần nhà Dòng. Quanh nhà Dòng có rất nhiều anh chị em công nhân nghèo, dân tứ xứ, họ đến đây kiếm sống. Sau thành quen, chúng tôi chỉ cần đặt ngay ngoài cửa là có người đến lấy, không cần phải mang đi đâu cả.

Sau một thời gian Chị quản lý hỏi tôi: “Bây giờ thì chắc là em biết thế nào là phó thác rồi nhỉ!” Tôi cười và thưa: “Vâng”. Đúng thật giờ đây tôi đã thấm thế nào là “sống nhờ Ân Sủng Chúa”. Khi đi tu thì ta đã phải phó thác rồi nhưng tu Dòng kín thì lại càng phải sống điều đó rõ nét hơn nữa. Hiến Pháp Dòng không đặt quá nặng việc “làm kinh tế”, không có các công việc tông đồ mục vụ “hoành tráng”, không có các khoản thu “kếch xù” từ các trường dạy trẻ… Tóm lại, ở trong Dòng Kín không có gì cả! chỉ cứ thế thôi mà chúng tôi sống, ca tụng Chúa, tạ ơn Chúa và làm việc… mà cũng chẳng thiếu thốn gì cả! Chúa đã liệu cho chúng tôi từ miếng cơm, manh áo, đến cả những viên thuốc nhỏ khi “trái gió trở trời”. Những điều đó, có thể, đối với một số người thật khó chấp nhận, khó sống quá, là không tưởng... Nhưng đó lại là cách mà “Chúa dưỡng nuôi ta”. Nơi ấy, chứa đựng cả một trời yêu thương. Nơi ấy Chúa biểu lộ tâm tình thầm kín nhất, sâu xa nhất và sự quan tâm đặc biệt nhất Chúa dành cho những kẻ Người yêu mến.

Mong sao cho tất cả mọi người đều có thể nhận thấy “cả một trời yêu thương quan phòng” Chúa dành cho từng người trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây của cuộc sống, để rồi tất cả chúng ta đều được “đầy tràn”, được tươi nở sung mãn, và hạnh phúc. Từ đó cũng biết tạo cho nhau những giờ phút và những không gian ngập tràn tình yêu thương chia sẻ từ chính sự tràn đầy của mình.

Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5, 18). Vì “Chúa thật là Đấng dưỡng nuôi ta!” (Xướng đáp Kinh chiều thứ 5, tuần I, Mùa thường niên)