Thư gửi các chị em đan sĩ của cha Tổng quyền Damian Byrne


Tháng 05 năm 1992

Trong bản tường trình dịp Tổng hội Mexico, tôi đã nhận định về sự hiệp nhất của gia đình Đa Minh trên toàn thế giới. Đó là sự hiệp nhất được đặt nền trên tình mến và sự nhận thức sâu sắc về thánh Đa Minh và truyền thống của chúng ta, đồng thời đã được đào sâu hơn rất nhiều theo lời mời gọi của Công đồng Vaticano II dành cho các tu sĩ: Hãy gắn bó với nguồn cội của mình.
Với các chị em, tình hiệp nhất này được thể hiện qua sự nhận thức sâu sắc và sự đồng thuận dành cho bản Hiến pháp mới của chị em – như được thể hiện qua những hồi đáp cho các câu hỏi mà Ủy ban về đan sĩ đưa ra. Tình hiệp nhất còn được biểu lộ qua vai trò của vị Tổng quyền trong Hiến pháp của chị em. Theo đó, một trong những hoạt động xứng hợp cuối cùng của tôi trong tư cách Tổng quyền, đó là viết cho chị em bức thư mà tôi đã hứa từ lâu.

Có 3 lý do chính để tôi viết thư này. Thứ nhất, diễn tả lòng cảm kích của Dòng dành cho các nữ đan sĩ vì sự trung thành của chị em đối với dự phóng của thánh Đa Minh. Chị em thực sự nằm ở tâm điểm của gia đình Giảng thuyết chúng ta. Thứ hai, nhấn mạnh nhu cầu chung cần có một chương trình đào tạo đầy đủ cho tất cả các giai đoạn, đồng thời cổ võ một hình thức sống cộng đoàn tích cực hơn phù hợp với truyền thống của chúng ta. Thứ ba, giải đáp những câu hỏi và chất vấn liên quan đến việc giải thích sách Hiến pháp và Chỉ thị mà chúng tôi thường phải giải quyết ở Trụ sở Dòng.

Trong giai đoạn chuẩn bị Tổng hội Oakland (1989), ban Tổng Cố vấn nghĩ rằng, cách tốt nhất để giải quyết những chuyện này cùng những vấn đề tương tự là phải có một ủy ban đặc biệt về các nữ đan sĩ trong Tổng hội. Ủy ban này, gồm cả 4 nữ đan sĩ, đã đúng đắn khi quyết định không đi sâu vào các vấn đề nói trên, nhưng đúng hơn là nhấn mạnh vị trí của các nữ đan sĩ trong gia đình Đa Minh, đồng thời đưa ra những hướng dẫn cho vị đặc trách và ủy ban được đề xuất.

Các chức vụ này giờ đây đã được cắt cử. Tôi nhận thấy rằng một vài đan viện mong muốn trao đổi nhiều hơn trước khi diễn ra việc bổ nhiệm, thế nhưng chúng ta không còn thời gian. Chỉ có thể bổ nhiệm anh Viktor Hofstetter (thuộc Tỉnh dòng Đức Bà Truyền Tin, Thụy Sĩ) làm Đặc trách sau khi anh kết thúc nhiệm kỳ Giám tỉnh của mình, và tiếp đến, phải nhanh chóng thành lập một ủy ban để bắt đầu làm việc. Từ lúc đó, các vị gặp nhau hai lần và đã báo cáo trực tiếp đến tất cả các chị. Ngoài ra, trong buổi họp mặt tại Santa Sabina, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 3 năm 1992, họ đã trình bày đề xuất một ủy ban đại diện, thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và tâm thức.

HIỆP NHẤT VÀ CANH TÂN


Việc biên soạn bản Hiến pháp mới và sự đồng thuận của chị em dành cho bản Hiến pháp này là một chương đáng ghi nhận trong lịch sử Dòng chúng ta. Các trả lời của chị em cho bức thư của ủy ban là một dấu hiệu ấn tượng về sự hiệp nhất giữa chị em với nhau và với Dòng. Sự hiệp nhất này là nền tảng vững chắc cho một cuộc canh tân cần thiết. Điều trên hết mà chúng ta cùng chia sẻ, đó là định hướng cộng đoàn và truyền thống tập thể. Chúng ta phải cố gắng đạt được điều này, nếu chúng ta muốn là những người Đa Minh thực thụ. Tập thể tính này, cộng đoàn tính này, và sự đồng tâm nhất trí phải là nền tảng, không chỉ trong việc quản trị của chúng ta, mà còn trong cách tiếp cận với các vấn đề thực tiễn như: đào tạo, tách biệt và độc lập, nội vi. Trong Thông điệp về các vấn đề xã hội, đức Gioan Phaolô II tuyên bố rằng, sự tiếp diễn và canh tân là một bằng chứng cho giá trị bất diệt trong giáo huấn Giáo hội. Có thể áp dụng điều tương tự cho Dòng. Chúng ta không thể tiếp diễn mà không có canh tân. Chúng ta không thể có một sự canh tân thực sự nếu không trung thành với truyền thống của mình. Trong lá thư gửi cho chị em từ Tổng hội River Forest (1968), Tổng quyền Aniceto Fernández đã viết:

Việc canh tân toàn thể Giáo hội giả thiết cách đặc biệt sự canh tân của các hội dòng và cụ thể nhất chính là sự canh tân của các hội dòng chiêm niệm. Điều này được Công đồng Vaticano II khẳng định trong Sắc lệnh Đức ái trọn hảo. Mặc dù chương trình canh tân của các anh em rõ ràng không giống từng chi tiết với chị em, thế nhưng chúng ta vẫn có nhiều yếu tố để cùng chia sẻ.

ĐỜI SỐNG CHIÊM NIỆM ĐA MINH


Ơn gọi của các nữ đan sĩ là một ơn gọi rất đặc biệt, “cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ lúc nào cũng khẩn thiết, thế nhưng những đan sĩ ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quý trong sứ mạng của Giáo hội” (Mutuae relationes 23,b; Perfectae Caritatis 7). Trong buổi nói chuyện với các nữ đan sĩ ở Guadalajara 30/01/1979, đức Gioan Phaolô II đã nói: Chiêm niệm không có nghĩa là xa cách hoàn toàn với thế giới và công tác tông đồ. Chị em phải tìm thấy cách thế đặc biệt để mở rộng Nước Chúa, cộng tác trong việc xây dựng đô thị trần gian, không chỉ bằng lời cầu nguyện và sự hy sinh, nhưng còn bằng lời chứng thinh lặng, ngõ hầu mọi người thành tâm thiện chí khi tiếp xúc với chị em có thể hiểu được lời chứng tá mà chị em đang biểu lộ. Để làm được điều này, chị em phải tìm thấy lối sống riêng của mình mà trong tầm nhìn của chiêm niệm, lối sống ấy sẽ giúp chị em chia sẻ ân huệ nhưng không của Thiên Chúa với các anh chị em của mình.
 
Mỗi dòng chiêm niệm có căn tính và cách thức riêng biệt để dẫn các thành viên của mình đến với Thiên Chúa. Căn tính và cách thức Đa Minh dựa chắc chắn trên nền tảng đọc, suy ngẫm và công bố lời Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi mỗi người Đa Minh phải có khả năng đọc cách nghiêm túc không chỉ như lộ trình chính để đến với Thiên Chúa, mà còn như việc khổ chế chính yếu của chúng ta. Sự tiếp xúc với Thiên Chúa bằng kinh nguyện và học hành này sẽ dẫn đến việc loan báo Lời. Trong hoàn cảnh của chị em, Hiến pháp nhắc lại dự phóng của thánh Đa Minh dành cho chị em.
 
Nhớ lại các đan sĩ tiên khởi mà thánh Đa Minh đã thiết lập ở đan viện Prouilhe tại trung tâm của công việc “giảng thuyết thánh” (holy preaching), các đan sĩ hãy sống hài hoà, đồng tâm nhất trí trong một nhà (x. Tv 67,7), cùng theo chân Chúa Giêsu rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện (x. Lc 5,16). Như thế chị em là dấu chỉ của thành thánh Giêrusalem mà anh em xây dựng bằng việc rao giảng. Trong nội vi, các đan sĩ tận hiến cho Thiên Chúa và duy trì hồng ân độc đáo mà cha thánh luôn ôm ấp trong thâm cung lòng trắc ẩn ngài dành cho các tội nhân, những người bị áp bức và đau khổ (x. LCM số 35a). Theo cái nhìn như thế, đời sống chiêm niệm Đa Minh liên kết cách mật thiết với sứ vụ của toàn Dòng.
 
Cổ võ sự hiểu biết sâu xa về ơn gọi đích thực và vai trò đặc biệt của chị em trong Dòng (LCM số 181) nghĩa là đào sâu sự hiểu biết của chị em về mối liên kết sâu xa giữa việc chiêm niệm và hoạt động trong Dòng như được nói đến trong các Tổng hội gần đây. Nếu thiếu sự hiểu biết này, tầm nhìn của thánh Đa Minh sẽ bị thu hẹp lại, với hệ quả là làm giảm hiệu quả cũng như những đóng góp mà Dòng được mời gọi đem đến cho Giáo hội và cho thế giới (Okland 147.2). Gần đây, có ai đó đã viết thế này:
 
Đặc nét của người Đa Minh được tìm thấy trong tương quan của chúng ta với sứ mạng của Dòng, với việc giảng thuyết “Tin mừng của lòng thương xót,” tuy nhiên, mối tương quan ấy được thể hiện qua chất lượng của tình hiệp thông giữa chúng ta, một sự hiệp thông trong Đức Kitô, được Chúa Thánh Thần gợi hứng. Vị trí đặc biệt của các nữ đan sĩ trong sứ mạng giảng thuyết được thể hiện chính xác trong lời chứng đầu tiên của việc rao giảng này là, đời sống cộng đoàn. Lời chứng của chúng ta xuất phát trước tiên từ sự hiện diện cộng đoàn của chúng ta. Cộng đoàn là nơi mà Ngôi Lời sinh hạ và lớn lên.

LỜI CHÚA


Linh đạo của chúng ta được đặt nền trên Lời Chúa – lắng nghe Lời, chiêm niệm Lời và rao giảng Lời. Ba yếu tố này liên kết với nhau, và vì lý do đó, những nhà giảng thuyết hiệu quả nhất của Dòng chính là các nữ đan sĩ (moniales). Công vụ Tổng hội Oakland nhắc nhở các anh em rằng, “phần chúng ta không phải lúc nào chúng ta cũng nhạy cảm đủ về khía cạnh chiêm niệm trong đời tu Đa Minh, được minh họa rất rõ rệt qua đời sống của các nữ đan sĩ, đồng thời chúng ta cũng không luôn luôn ý thức rằng đời sống của các nữ đan sĩ có ảnh hưởng đến hiệu quả của lời giảng chúng ta” (số 147, §4).
 
Để lắng nghe Lời Chúa, chúng ta phải trở nên nghèo khó và khiêm nhường trong một số giác quan. Hãy cùng suy ngẫm các mầu nhiệm thứ ba trong kinh Mân côi –Đức Giêsu ra đời, Đức Giêsu chịu đội mão gai, và Chúa Thánh Thần hiện xuống– dưới ánh sáng này.

Điều đòi hỏi đầu tiên để lắng nghe Lời Chúa chính là trở nên một người nghèo khó thực sự. Trong mầu nhiệm thứ ba mùa Vui, những chứng nhân đầu tiên về sự ra đời của Đức Kitô chính là các mục đồng nghèo khó. Tâm hồn của họ sẵn sàng và có thể tiếp nhận sứ điệp này. Trong bài nói chuyện với các linh mục tại Colombia về “việc phục vụ người nghèo theo Tin mừng,” 05/07/1986, đức Gioan Phaolô II đã nói: “Anh em không thể đến với người nghèo mà lại không có trái tim của một người nghèo là những người biết cách lắng nghe và tiếp nhận Lời Chúa đúng như Lời ấy là; điều này đòi hỏi các Tông đồ, những người đi theo và bắt chước Đức Kitô, phải sống cuộc đời khó nghèo.”

Đức Gioan Phaolô II tiếp tục nói với các linh mục rằng, sự khó nghèo này bao gồm việc từ bỏ những tham vọng cá nhân. Ý tưởng này đến với chúng ta trong mầu nhiệm thứ ba mùa Thương. Đức Kitô bị tước mất tất cả những gì là tốt đẹp về mặt vật chất, kể cả danh dự. Chúng ta phải học để có thể cho đi tất cả, nếu chúng ta khao khát được lắng nghe Lời, cho đi những thứ đòi hỏi chính nó như: con người, vị trí, truyền thống cổ hủ, những hành động khoe khoang, quyền lực.

Mầu nhiệm thứ ba mùa Mừng nhắc nhở rằng, chúng ta được trợ giúp trong việc lắng nghe bằng nhiều cách thức khác nhau – nhờ Giáo hội, nhờ Dòng, nhờ các chị em trong cộng đoàn. Điều đó cũng dạy chúng ta rằng, Thánh Thần ngự trong mỗi người và chúng ta phải nhận thức được giá trị của những tri thức sâu xa nơi mỗi người trong khi vẫn chấp nhận rằng, những tri thức đó phải được kiểm nghiệm: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1Ga 4,1).

Lĩnh vực nào mà ngày nay tôi muốn Dòng thách thức chị em trong việc lắng nghe Lời Chúa? Trước tiên và trên hết, tôi muốn nói đó là vấn đề của chủ nghĩa biệt lập khỏi các đan viện Đa Minh khác. Trong một bài viết về Đời sống Đa Minh, anh Thomas Rausch, SJ, nói:

Được thiết lập như cộng đoàn tông đồ, các tu sĩ Đa Minh kết hợp những yếu tố của quá khứ đan tu và kinh sĩ với phong trào Tin mừng mới của hậu bán thế kỷ XII. Sứ mạng của cộng đoàn này đã xác định lối sống và linh đạo Dòng của mình. Thế nhưng tiến trình thể chế hóa mà cộng đoàn trải qua trong nhiều thế hệ tiếp theo thánh Đa Minh đã ngày càng trao cho nền linh đạo ấy một đặc nét đan tu.

Điều này chắc chắn đúng với anh chị em Đa Minh. Chỉ trong Hiến pháp mới của anh em mà chúng ta ngưng nói về đức vâng phục theo kiểu “đan viện” và thay vào đó là “quy luật”. Hoàn cảnh của các chị em không hoàn toàn giống như thế. Tuy nhiên, trong khi chị em gọi các nhà của mình là “đan viện”, thì các bề trên lại được gọi là “chị trưởng” chứ không phải là viện mẫu. Tôi không tìm cách thay đổi danh hiệu – tôi chỉ đang cố tập trung vào sự kiện là chúng ta gọi bề trên là chị trưởng và tu viện là đan viện. Điều này có nhiều hệ luận cho ý niệm của chị em về việc quản trị nội bộ, cũng như cho sự sẵn sàng của chị em trong việc từ bỏ một ý niệm về một đan viện lớn – từ các chị trưởng và đan viện khác trong truyền thống chúng ta. Đức Piô XII tuyên bố: “Các hiệp hội Đan viện không bị áp đặt như một luật chung, họ được mời gọi cách mạnh mẽ, không chỉ bỏ đi những gì nguy hại và bất tiện vốn có thể nổi lên từ sự tách biệt hoàn toàn, nhưng còn cổ võ sự vâng phục và đời sống chiêm niệm theo quy luật”(Sponsa Christi, A. VI, n.21).

Chị em có một Hiến pháp chung, chị em có nhiều hiệp hội nhưng cũng có nhiều chủ trương tách biệt. Để loại bỏ một sự độc lập quá mức mà tiến đến tình trạng tương thuộc lẫn nhau: đây là một trong những thử thách đầu tiên.

GIÁ TRỊ VÀ CẤU TRÚC


Nhiều năm trước, sau chuyến thăm một đan viện nọ, tôi cảm thấy cần có nhiều thay đổi. Thế nhưng tôi chưa cảm thấy chắc chắn lắm, và đã đề xuất những thay đổi này cho một vị đại diện các đan sĩ khác có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Phản ứng của ngài với mỗi thay đổi được đề xuất là “vâng, điều này sẽ giúp các chị cầu nguyện tốt hơn.”

Qua nhiều năm, tôi đã hiểu được sự khôn ngoan trong câu trả lời này. Có lẽ sau đó nó đã giúp tôi nhiều trong lá thư về Đời sống chung để có thể hình thành niềm tin rằng, những cấu trúc đó, dẫu cần thiết, nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Các giá trị mới quan trọng hơn. Các giá trị vẫn luôn như vậy miễn là chúng bắt rễ sâu vào Tin mừng.

Trong lá thư đó, tôi đã chỉ ra 6 giá trị vốn thiết yếu của đời sống Đa Minh: cầu nguyện, chia sẻ đức tin, sửa lỗi huynh đệ, các lời khấn, ra quyết định và xây dựng cộng đoàn. Rõ ràng, thi thoảng chúng ta cần tái kiểm định lại đời sống của mình, và tự hỏi liệu chúng ta có sống những giá trị mà Tin mừng và Hiến pháp đã đề ra cho đời sống Đa Minh của chúng ta không. Chúng ta phải nhấn mạnh đến đời sống chung và đời sống chiêm niệm, thế nhưng các cấu trúc của đời sống đó có thể thay đổi. Mục đích của chúng là để cổ võ và bảo vệ các giá trị của đời sống tu trì. Chúng không kết thúc nơi chính mình.

Hiến pháp của chị em rất rõ ràng về điều này:

Nếp sống tu trì, mà thánh Đa Minh lãnh nhận từ truyền thống hoặc chính ngài đã canh tân, nuôi dưỡng đời sống của chị em trong chí hướng theo sát Chúa Kitô và để chu toàn hữu hiệu hơn đời sống chiêm niệm trong Dòng.

Kỷ luật tu trì bao hàm tất cả những yếu tố hợp thành đời sống Đa Minh và tổ chức kỷ luật chung. Trong các yếu tố này, nổi bật là đời sống chung, việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện thầm kín, tuân giữ các lời khấn và chuyên cần học hỏi chân lý. Nội vi, thinh lặng, tu phục, lao động và những việc sám hối giúp chị em giữ trọn những điều trên (LCM số 35, §I-II).

Có một trật tự rõ ràng trong những giá trị này. Kỷ luật tu trì giúp các đan sĩ trong chí hướng theo sát Đức Kitô và để chu toàn hữu hiệu hơn đời sống chiêm niệm trong dòng Giảng Thuyết. Đây là cấp độ đầu tiên và quan trọng nhất, đó là theo Đức Kitô trong đời sống chiêm niệm của Dòng. Kỷ luật tu trì không có đích điểm là chính nó, kỷ luật tu trì là để trợ giúp và làm cho chị em có thể chu toàn hữu hiệu hơn đời sống chiêm niệm. Tuy nhiên, giữa các yếu tố của kỷ luật tu trì, vẫn có một trật tự nào đó. Một vài yếu tố nổi bật đáng chú ý như đời sống chung, cử hành phụng vụ và cầu nguyện riêng, việc giữ các lời khấn và nghiên cứu thánh khoa, vì những yếu tố này làm nên đời sống Đa Minh và tổ chức đời sống đó thông qua một kỷ luật chung. Những yếu tố còn lại giúp chúng ta giữ trọn những điều trên như nội vi, thinh lặng, tu phục, lao động và những việc sám hối. Một lần nữa, Hiến pháp không bảo rằng những yếu tố này có tính tùy chọn, nhưng tất cả giúp hướng về mục tiêu đó là theo Đức Kitô trong đời sống chiêm niệm Đa Minh. Tôi tin là nhiều vấn đề trong các cộng đoàn của chị em xuất phát từ việc không quan tâm đến trật tự các giá trị.

Rõ ràng, một vài cấu trúc có thể thay đổi. Hiếp Pháp nói thánh Đa Minh đã đón nhận từ truyền thống và tạo nên một truyền thống mới. Khi chúng ta có những giá trị vững chắc cùng các cấu trúc tốt đẹp, lúc đó chúng ta có được đời sống tổ chức tốt. Nếu chúng ta có những giá trị vững chắc nhưng các cấu trúc lại nghèo nàn, khi đó đời sống chúng ta mất quân bình. Mặt khác, khi những giá trị yếu kém nhưng các cấu trúc lại vững chắc, lúc đó tất cả kiến trúc lớn của chúng ta chỉ là sự lừa dối. Còn khi những giá trị yếu kém và cấu trúc cũng nghèo nàn, lúc đó chúng ta đang bị trôi dạt. Rõ ràng chúng ta không nói rằng mình không cần các cấu trúc; chúng ta thực sự cần. Thế nhưng, tiên quyết, chúng ta cần những giá trị đích thật, những giá trị của đời tu trì và Kitô hữu, và rồi mới cần đến một cấu trúc để giúp chúng ta có được một đời sống thực sự liên đới với nhau, một đời sống Kitô hữu và tu trì đích thật.

VIỆC QUẢN TRỊ ĐA MINH


Điểm quan trọng trước tiên và trên hết cần xem xét đó là việc quản trị nội bộ của đan viện. Khi bàn về việc quản trị, Hiến pháp xây dựng luật cho việc thi hành quyền bính tức là chị trưởng, đan viện hội, ban Cố vấn (trong trật tự đó). Mỗi đối tượng có vai trò riêng, và nếu trong cộng đoàn, quyền bính này hay quyền bính kia hoạt động không phù hợp, thì trong một thời gian dài, cộng đoàn cũng bị xáo trộn.

Đây là điều mà tôi đã viết theo đề nghị của Hiệp hội các Đan viện ở Mexico sau chuyến thăm gần đây:

Vâng phục có nghĩa là lắng nghe. Theo truyền thống Đa Minh, trong đan viện, chị em phải nghe lời chị trưởng, ban Cố vấn và đan viện hội. Mỗi đối tượng có quyền riêng và phải kể vào số những quyền bính hợp pháp. Không có quyền bính nào chiếm ưu thế riêng. Mẫu gương thánh Đa Minh trao quyền bính của mình vào tay anh em là một gia sản tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta không được phép thổi phòng hay xem nhẹ vai trò của chị trưởng, ban Cố vấn hay đan viện hội, nhưng phải trung thành với những quyền hạn đặc biệt mà Hiến pháp quy định cho từng đối tượng trên đây. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được những vai trò này, kính trọng và vâng phục những vai trò đó, chúng ta mới gọi là vâng phục đúng nghĩa Đa Minh. Điều này không chỉ đòi hỏi, trong đan viện hội, phải có một cuộc trao đổi thực sự, cởi mở; mà còn đòi hỏi sự chấp thuận của ban Cố vấn thuộc vai trò của mình trong các vấn đề pháp lý, cũng như sự chấp thuận của chị trưởng trong việc bảo đảm việc vâng phục Hiến pháp, và thi hành sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn về các vấn đề được nêu lên khi đối thoại. Chỉ với cung cách này mà những điều trong Hiến pháp mới có thể trở thành sự thật: “Thực vậy, cộng đoàn muốn luôn trung thành với tinh thần và sứ vụ của mình, thì cần phải có nguyên tắc thống nhất nhờ sự vâng phục” (17, §I).

Theo số 201 của Hiến pháp và Chỉ nam đan sĩ Đa Minh, đan viện hội có quyền bàn tính và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống cộng đoàn. Điều gì gây khó khăn cho chị em trong việc thi hành quy tắc này? Khi còn là Giám tỉnh, thi thoảng tôi phải giải quyết nhiều vị bề trên không chịu tổ chức các buổi tu viện hội (theo nghĩa các cuộc thảo luận, chứ không phải những buổi nói chuyện hay hội sửa lỗi). Thường thường có một vấn đề này là có một hoặc hai anh em liên tục nêu đi nêu lại cùng một vấn đề. Khi đó tôi có ba nhận xét như sau:

1/ Nếu hiếm khi tổ chức tu viện hội, các anh em sẽ nêu đi nêu lại cùng một vấn đề.

2/ Nếu tổ chức tu viện hội đều đặn, thường xuyên, anh em sẽ sớm cảm thấy mệt vì chỉ mới vừa họp cách đây không lâu.

3/ Bề trên lập ra một chương trình nghị sự (sau khi đã tham vấn cộng đoàn) để ngài luôn có thể tuyên bố rằng một chủ đề nào đó sẽ không được thảo luận.

Trong Hiến pháp của anh em có đoạn sau đây: “Trước khi họp, các thành viên của tu viện hội có thể đề nghị với vị chủ tọa những việc cần phải bàn thảo; và nếu một phần ba tu viện hội đề nghị việc nào, thì vị chủ tọa buộc phải đưa vấn đề đó ra bàn thảo. Trong khi họp, không được đề xuất vấn đề nào khác, trừ khi vị chủ tọa đồng ý hay mời làm việc đó” (LCO số 312, §III).

Có nhiều dự liệu khôn ngoan trong Hiến pháp này – “quyền đề nghị vị chủ tọa những việc cần bàn thảo”, “trong khi họp, không được đề xuất vấn đề nào khác, trừ khi vị chủ tọa đồng ý hay mời làm việc đó”,… Có lẽ trong tương lai sẽ thêm quy tắc này vào trong Hiến pháp của chị em. Đang khi chờ đợi, có lẽ quy tắc này sẽ là một hướng dẫn cho các buổi đan viện hội của chị em.

Mặc dù thi hành quyền bính là hợp pháp, thế nhưng điều này chỉ mang lại kết quả nếu vị bề trên thực tình và luôn tìm kiếm để đạt được sự đồng tâm nhất trí trong cộng đoàn. Tôi xin trích dẫn bài phát biểu của cha Vincent de Couesnongle liên quan đến việc vâng phục Đa Minh.

Nền tảng của luật dân chủ là quy tắc đa số. Tuy nhiên với chúng ta quy tắc này không hẳn như thế, mặc dù chúng ta vẫn thường xuyên bỏ phiếu. Lề luật riêng của chúng ta phải là sự đồng tâm nhất trí. Trong tu viện hội – Tỉnh hội và Tổng hội cũng vậy – vị bề trên không nên tìm cách để bỏ phiếu cho nhanh, nhưng phải cố gắng sao cho vấn đề được giải quyết cách thẳng thắn và triệt để, sao cho mọi người đều có tiếng nói; một cuộc tranh luận chung sẽ đem đến một sự đồng thuận bao nhiêu có thể. Nỗ lực để đạt được sự đồng tâm nhất trí này – dẫu cho chúng ta không luôn luôn đạt được – chính là bảo đảm chắc chắn về sự hiện diện của Chúa và Thánh Thần của Người, và bởi sự thật chắc chắn này, sự đồng tâm nhất trí đó chính là con đường chắc chắn hơn để khám phá ra thánh ý Thiên Chúa. Chính vì thế, tại Công đồng Vaticano II, đức Phaolô VI đã trì hoãn một vài lần bỏ phiếu, nhằm giúp người ta hiểu vấn đề tốt hơn, đồng thời tránh những quyết định thuộc về số đông. Không cần chỉ ra nhu cầu mà việc tìm kiếm sự nhất trí nơi từng dòng tu cũng như các cộng đoàn, thế nhưng đây chính là điểm chính xác của điều mà anh em Giảng Thuyết đang cố gắng sống và rao giảng. Thiếu điều này, cuộc sống phức tạp – với quá nhiều khả thể mà anh em đang đối diện – có lẽ chỉ là một vỏ ốc trống rỗng, trong khi nhà dòng, thay vì là nơi thể hiện tình anh em giữa những người sống, học hỏi và rao giảng đức tin, có thể chỉ là nơi mà một nhóm người có cùng kiểu sống, một đời sống tu trì bàng bạc mà thôi (Can đảm hướng tới tương lai).

Có lẽ cần phải thêm rằng chúng ta sẽ không luôn đạt được sự đồng tâm nhất trí, dẫu có cố gắng bao nhiêu. Thế nhưng, nếu những tiếng nói thiểu số thực sự được lắng nghe, họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn tiếng nói của đa số, và thực vậy, thi thoảng những gì họ đưa ra có thể làm thay đổi định hướng của cộng đoàn trong nhiều vấn đề đặc biệt. Yếu tố quan trọng của buổi thảo luận trong tu viện hội chính là lắng nghe, cố gắng hiểu quan điểm người khác và không phán xét. Trong Thông điệp Ecclesiam suam, đức Phaolô VI đã đưa ra 4 thái độ cần có mà tôi nghĩ đáng để ghi lại:

1/ Rõ ràng. Đối thoại giả thiết và đòi hỏi một sự dễ hiểu. Đó là sự trao đổi tư tưởng.

2/ Hòa nhã. Đối thoại thì không tự kiêu, không gây đau đớn, không công kích… Đối thoại phải hòa bình, thư thái, tránh các phương pháp bạo lực, nhưng kiên nhẫn và bao dung.

3/ Tin tưởng. Đức Phaolô VI chỉ ra hai điều cần thiết để bảo đảm sự tin tưởng trong đối thoại, đó là, cách dùng từ ngữ và thái độ sẵn sàng hướng về điều thiện hảo, hai điều này là cần thiết để giúp chúng ta lắng nghe người khác.

4/ Khôn ngoan. Cần lưu tâm đến tâm lý của người nghe (Ecclesiam suam, 26).

Khi đã đạt được sự đồng ý trong cộng đoàn, mỗi thành viên đều có bổn phận chấp nhận và thi hành quyết định đó. Tu viện hội sẽ có trách nhiệm bảo đảm cho việc thi hành quyết định. Xin nhắc lại một lần nữa, đây không phải là việc thi hành quyền, nhưng là hành động vì thiện ích của cả cộng đoàn.

“Để đời sống chiêm niệm và hiệp thông huynh đệ được phong phú hơn thì sự đồng tâm nhất trí tham gia của mọi chị em vào việc quản trị là điều rất quan trọng: “Vì điều thiện được mọi người đồng ý thì sẽ hoàn thành nhanh chóng và dễ dàng” (Humbertô Romans)” (LCM số 7). Tuy đan viện hội đóng vai trò trung tâm trong quản trị Đa Minh, thế nhưng ban Cố vấn và đan viện trưởng có vai trò riêng không kém phần quan trọng. Những vị này có quyền đưa ra quyết định và phải được thi hành. Ban cố vấn hiện diện là để đưa ra lời khuyên cho đan viện trưởng về những vấn đề mà vị này cần đến họ, vị này cũng có một vai trò rất rõ ràng trong nhiều vấn đề đặc biệt (x. LCM số 210).

“Đan viện trưởng trong khi thi hành trách nhiệm phục vụ đan viện cách trung thành, phải luôn cổ võ sự hiệp nhất trong đức ái, thăng tiến không ngừng đời sống chiêm niệm của chị em và chuyên cần chăm lo việc tuân giữ kỷ luật” (LCM số 195). Vị này là tiếng nói cuối cùng trong cộng đoàn, tuy nhiên quyền bính của ngài phải được thi hành trong tinh thần của cha Đa Minh, là người, như trong án phong thánh ghi nhận, “vui vẻ, dịu dàng, kiên nhẫn, cảm thông và tử tế, ngài còn là người an ủi anh em”. Tuy nhiên, tinh thần này đôi khi cũng cần mạnh mẽ và kiên quyết khi có vấn đề nổi lên. Chị em nên nhớ rằng, cha Đa Minh đã nghiêm khắc sửa lỗi anh em, hay nhớ lại quyết định đơn phương của ngài trong việc sai các anh em ra đi vào ngày 15/08/1217. Đây gần như là một lý tưởng không thể theo, và thực sự, nhiều người tin rằng điều này càng khó khăn hơn bởi những vấn đề hằng tồn tại trong xã hội và Giáo hội. Cần thiết phải chấp nhận rằng, trong cộng đoàn sẽ có nhiều người rất thường xuyên phàn nàn và những người thích đâm chọt. Đan viện trưởng phải được cộng đoàn của mình hỗ trợ. Tôi xin đặt ra câu hỏi như sau: Chúng ta phải mở rộng lòng thương xót và sự quan tâm đến từng người trong cộng đoàn, vậy thì tại sao chúng ta lại không mở rộng lòng thương xót và quan tâm của cả cộng đoàn đến các bề trên của chúng ta?

Điểm thứ hai cần xem xét liên quan đến một ‘sự yếu đuối’ ngoại tại và thuộc về cấu trúc nảy sinh từ chính bản chất của một cộng đoàn đan viện, và từ những đóng góp của Dòng (hay thiếu những đóng góp đó).

Rõ ràng là trong truyền thống đan tu, vai trò của vị đan viện trưởng rất được nhấn mạnh. Điều này rất khác với dòng Đa Minh vốn xem vị đan viện trưởng hay vị bề trên là primus/prima inter pares, tức là người đứng đầu trong số những người ngang nhau. Hiến pháp của chị em phản ánh rõ ràng truyền thống Đa Minh, và vì thế việc thi hành quyền bính trong truyền thống đó cũng phải phù hợp với Hiến pháp. Qua nhiều thế kỷ, phương thế duy nhất để xây dựng một cộng đoàn mới (và điều này cũng đúng với các chị em sống đời hoạt động trong một thời gian dài) đó là thực hiện điều này như một đơn vị mới và độc lập. Vai trò của vị bề trên trong việc hình thành và thiết lập thực thể mới đã từng là yếu tố quyết định. Có lẽ với tôi, điều này làm cho vai trò của một cá nhân trong cộng đoàn trở nên quá nổi bật. Thực vậy, trong vài đan viện, vương quyền của các bề trên và giáo tập đã phát triển. Thế nhưng, Hiến pháp đã rất rõ ràng về điều này:

Đan viện trưởng thi hành chức vụ đủ ba năm và có thể được tái cử ba năm kế tiếp, nhưng không được bầu lần thứ ba liên tiếp trong cùng một đan viện (LCM số 196, §I).

Tại sao nhiều người lại dễ dàng quên mất dự liệu này trong Hiến pháp?

Điều tôi vừa nói trên đây về việc sẵn lòng rời bỏ mọi sự, con người và vị trí cũng áp dụng cho các vị đan viện trưởng mãn nhiệm. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, họ phải bắt đầu chuẩn bị người chị em thích hợp để đảm trách các phận vụ trong cộng đoàn; họ phải tránh cám dỗ tạo ra một vương quyền của các chị em cùng chí hướng; có lẽ họ nên nghĩ về việc sống một thời gian tại một đan viện khác khi hoàn tất nhiệm kỳ, vì chính họ và vì người kế nhiệm.

Giống như quyền bính của vị đan viện trưởng không phải là tuyệt đối trong truyền thống của chúng ta, cũng vậy, tôi tin rằng ngày nay chúng ta được Giáo hội và Dòng mời gọi nhận ra rằng, tính độc lập của các đan viện không phải là tuyệt đối – theo nghĩa, họ phải nhận thức được các khuynh hướng khác, giúp đỡ và được giúp đỡ, bởi các đan viện khác. Năm 1965, trong Sắc lệnh Canh tân thích nghi đời sống tu trì, Tòa thánh đã chỉ ra sự cần thiết của việc tương trợ giữa các nữ đan viện như sau:

Đối với việc canh tân thích nghi cho các đan viện nữ, có thể đón nhận nguyện vọng và ý kiến của các hội đồng liên viện, hoặc của các hội nghị được triệu tập hợp pháp (số 4).

Khi Hiến pháp nói về các liên hiệp đan viện (x. LCM số 235-237), chúng ta nhận ra được tính độc lập cũng như quyền thuộc về một liên hiệp đan viện. Tôi tin rằng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trước khi các liên hiệp đan viện (hay các hội nghị) có thể thi hành trọn vẹn chức năng canh tân và tương trợ lẫn nhau, đặc biệt trong vấn đề đào tạo và trao đổi nhân sự. Cũng như việc quá nhiều giao phối cận huyết là một điều không lành mạnh, xét từ quan điểm di truyền học, quá tách biệt hay độc lập là một điều không lành mạnh, xét từ quan điểm đời sống tu trì.

TINH THẦN TỰ DO

Cần phải trù liệu chu đáo quyền tự do chính đáng của chị em trong việc lãnh nhận bí tích hoà giải và linh hướng (LCM số 85).

Đây chỉ là một trong nhiều đoạn trong Hiến pháp nói về tinh thần tự do mà cha Đa Minh muốn các cộng đoàn của ngài thể hiện. Theo đó, tôi muốn chị em lưu ý đến một vài điểm đặc biệt sau đây.

Thứ nhất, chúng ta không được phép coi Hiến pháp như một vũ khí để phán xét hay đe dọa người khác, hoặc để tự biến mình thành “dân phòng”. Mục đích của lề luật là để bảo vệ quyền của cá nhân và cộng đoàn, không phải để chúng ta giày xéo người khác. “Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: ‘Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!’ Đức Giêsu nói: ‘Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào’” (Lc 11,45-46). Trong chúng ta, có nhiều ‘nhà thông luật’ theo kiểu này.

Thứ hai, mỗi chị em có quyền thường xuyên viết thư về cho gia đình. Đối với tập sinh và thỉnh sinh cũng như thế, ở mức độ hằng tháng. Đối với các thư gửi cho các đan viện khác, phải được tự do nhiều hơn nữa. Tôi muốn dẫn chị em đến điều mà Giáo luật đã tuyên bố: “Không ai được phép làm thiệt hại cách bất hợp pháp đến thanh danh mà mỗi người được hưởng, hoặc vi phạm quyền của mỗi người được bảo vệ bí mật riêng tư của mình” (220). Vì vậy, chỉ khi gặp những trường hợp nghiêm trọng mới có sự ngoại lệ như được đề cập ở Hiến pháp số 43 mà thôi.

Thứ ba, không nên quá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kinh lý. Vị Tổng quyền có quyền tổ chức một cuộc kinh lý, thế nhưng trong thực hành, điều này sẽ không được thực hiện trừ khi tham khảo ý kiến của Bản quyền sở tại. Tôi yêu cầu các đan viện trưởng và các ban Cố vấn bảo đảm rằng mỗi tu viện phải được kinh lý ít nhất hai năm một lần (x. LCM số 227, §3). Thậm chí trong những đan viện trực thuộc giám mục, không có gì ngăn cản chị em nhắc vị này về nhu cầu kinh lý, gợi ý người thực hiện cuộc kinh lý (x. LCM số 228, §5). Tôi đồng ý rằng, vài đan viện đã từng có những kinh nghiệm không vui về những cuộc kinh lý của các vị trong Dòng cũng như ngoài Dòng, và thi thoảng nhiều cộng đoàn đã hiểu lầm mục đích của các cuộc kinh lý. Một vài giải thích chi tiết sau đây có lẽ sẽ hữu ích:

1/ Cuộc kinh lý không làm cản trở việc quản trị nội bộ, nhưng đúng hơn, cuộc kinh lý giúp cho cộng đoàn hoạt động tốt hơn trong ba cấp độ quyền bính: đan viện trưởng, đan viện hội và ban Cố vấn.

2/ Tôi tin rằng, chức năng chính của vị kinh lý là chăm chú lắng nghe từng người một. Vị ấy không đưa ra tất cả các giải pháp cho mọi vấn đề – về con người hay những việc khác – nhưng quan trọng là mỗi thành viên trong cộng đoàn có thể nói chuyện với vị kinh lý, hai năm một lần, với tất cả lòng tin tưởng của mình.

3/ Được biết về những khó khăn khi tìm một vị kinh lý cũng như nhu cầu có được những phê bình khách quan, liệu chăng mỗi Giám tỉnh/nhóm các Giám tỉnh cung cấp một vị kinh lý cho tất cả các đan viện trong địa hạt Tỉnh dòng/khu vực hai năm một lần?

Trong việc duyệt xét lại bộ Giáo luật, hội đồng dự thảo đã xác nhận nguyên tắc sau đây: Trong bản luật hiện hành (Giáo luật 1917), các đan viện và các đan sĩ phải phụ thuộc nhiều vào các bề trên thuộc giáo sĩ triều và đấng Bản quyền địa phương. Tình trạng này chắc chắn không giúp ích cho việc trưởng thành của các đan sĩ, cũng không làm tăng cảm thức trách nhiệm của họ. Trái lại, không hiếm khi điều này dẫn tới sự can thiệp không đúng đắn vào việc quản trị đời sống nội bộ cũng như việc điều hành riêng của họ, làm rối loạn kỷ luật và sự thanh bình trong đời sống chung của các đan sĩ.

Tất cả những điều này không thể được cho phép trong bộ Giáo luật mới, hơn thế nữa vì nguyên tắc được hội đồng cố vấn thiết lập này là để tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa các hội dòng, nhất là giữa các hội dòng nam và nữ tu sĩ. Vì lý do này, các hội và các đan viện tự trị của các đan sĩ có quyền về đời sống và luật pháp riêng của họ, phù hợp với lề luật riêng của họ (Communicationes, vol. VI, s.1, 1974, p.90).

Theo nguyên tắc trên, bản luật hiện hành của Giáo hội, với sự tôn trọng các đan viện của các đan sĩ, không ban quyền cho đấng Bản quyền địa phương cũng như bề trên thuộc giáo sĩ triều trong việc lập pháp hay quản trị. Tương quan giữa các đan viện và đấng Bản quyền địa phương hay bề trên thuộc giáo sĩ triều, với sự tôn trọng đời sống và việc điều hành nội bộ của đan viện, được xác định bởi Hiến pháp của các đan viện.

Tôi biết rằng chỉ một vài đan viện có các chị em sống bên ngoài nội vi. Tuy nhiên, chính trong tinh thần canh tân này mà chúng ta nhận ra phần đóng góp của họ vào đời sống chiêm niệm Đa Minh. Hiến pháp (bằng phương tiện là các chỉ dẫn tại địa phương) nêu ra những phương thế giúp các chị em ấy tham gia vào đời sống cộng đoàn của họ. Những chị em này có quyền tham gia vào đời sống cộng đoàn chứ không chỉ trong những lúc bầu cử.

ĐÀO TẠO


Một thách thức khác nằm ở lĩnh vực đào tạo. Tôi thường xuyên nhắc nhở các anh em mình về hai câu hỏi của cha Vincent de Couesnongle: Tại sao anh em cần đến các ứng sinh? Anh em sẽ đào tạo họ thế nào?

Câu trả lời tự nhiên cho câu hỏi đầu tiên đó là chúng ta muốn họ theo chúng ta, thế nhưng tuyển người chỉ để giữ quân số hay chỉ để tránh cho các đan viện bị đóng cửa, mà không trao cho họ một sự đào tạo cần thiết, điều này sẽ là một sai lầm to lớn – thực vậy, nếu không có điều đó, đây sẽ là một sự xao nhãng nghiêm trọng. Trong buổi nói chuyện với các giám mục Nhật Bản, đức giáo hoàng đặt câu hỏi về cách thức mà họ sẽ dùng để sử dụng tài năng của các ứng sinh là những người dấn thân để phục vụ Giáo hội. Một giám mục thì có rất nhiều nhu cầu, nhiều lỗ hổng trong giáo phận cần được lấp đầy. Và chưa hết, đức giáo hoàng yêu cầu họ nhìn xa hơn một chút vào việc sử dụng hợp lý các tài năng của những người thanh niên được Chúa kêu gọi trở thành linh mục.

Theo đó, khi tuyển chọn những người trẻ, trong vấn đề tài năng và kinh nghiệm, chúng ta cần ghi nhớ điều mà họ mang theo mình, và chúng ta phải trao cho họ sự đào tạo đầy đủ về đời sống này, ngõ hầu họ có thể sống một đời sống lành mạnh, vui tươi, thánh thiện và trổ sinh nhiều hoa trái. Dưới ánh sáng này, câu hỏi thứ hai trên đây mang tính nền tảng. Giáo hội đã suy tư rất nhiều về việc đào tạo tu sĩ. Việc đào tạo không thể bị coi như một tiến trình tự động mà trong đó thiện chí của nhà đạo tào và người thụ huấn được coi là đủ. Trong phần dẫn nhập của Huấn thị Canh tân đời tu (1969), bộ Tu sĩ đã xác nhận nhu cầu “thực hiện một cuộc canh tân toàn bộ chương trình đào tạo sao cho phù hợp với não trạng của thế hệ trẻ và điều kiện sống hiện đại.” Một trong những sáng suốt lớn của tài liệu này đó là cần phải chú tâm đặc biệt đến giai đoạn chuẩn bị trước khi bước vào tập viện.

Hoàn cảnh của chị em không giống với các cộng đoàn tông đồ mà Huấn thị Canh tân đời tu chủ yếu nhắm tới, tuy nhiên cũng có điểm tương tự. Chị em đang làm việc với những người trẻ có nhiều não trạng khác nhau, đến từ một thế giới rất khác. Và những chỉ thị mới của Tòa thánh (01/1990) rõ ràng đề cập đến các đan sĩ trong bản văn này. Ở số 44, khi bàn về hình thức thực hiện các giai đoạn trước khi bước vào tập viện, bản văn nói: “Những điều này có thể rất khác nhau: tiếp nhận vào một cộng đoàn của hội dòng, nhưng không chia sẻ mọi khía cạnh của đời sống đó – cộng đoàn Tập viện không được khuyến khích cho điều này, nhưng với các đan sĩ thì có thể; các giai đoạn tiếp xúc với hội dòng hay với một trong các khía cạnh của hội dòng đó: đời sống chung trong nhà tiếp nhận các ứng sinh.”

Tôi ước mong các đan sĩ của chúng ta trong các liên hiệp đan viện khác nhau hãy có cách nhìn sáng tạo về giai đoạn đào tạo này, như rất nhiều người đang trong các chương trình tập viện và đệ tử viện. Số 43 của Huấn thị nêu rõ ràng 4 điều kiện được luật chung Giáo hội xác định về việc gia nhập tập viện như sau:

1/ Có nền tảng giáo dục và nhân bản cần thiết,

2/ Có nền tảng Kitô giáo cần thiết,

3/ Trưởng thành về tình cảm, đặc biệt là quân bình giới tính,

4/ Có khả năng sống cộng đoàn.

Những điều kiện này phải được đáp ứng trước khi cho một người bước vào Tập viện. Rất ít thiếu nữ có thể đáp ứng hết tất cả 4 điều kiện này khi họ bước đầu tiếp xúc với đan viện. Có lẽ với tôi, nền tảng giáo dục nhân bản và Kitô giáo phải được thực hiện bên ngoài đan viện. Nếu các thiếu nữ cảm thấy yêu mến đời sống đan viện, chị em phải khuyến khích họ hoàn thành việc học, ít là hết cấp hai, tại gia đình, hoặc nếu không thể, họ phải hoàn thành việc học bằng cách tham dự vào khóa học của các nữ tu hoạt động. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng, một đan viện không phải là nơi để các ứng viên hoàn thành việc học căn bản. Tôi có nhận được lá thư của một chị đan sĩ sau khi tôi công bố Thư về giai đoạn tiền tập, chị viết: “Thưa cha, thậm chí tại đây, ngay trong đan viện của chúng con, chúng con ngày càng nhận thấy rõ rằng, chính chúng con cũng cần một hình thức đào tạo nào đó vốn sẽ cho phép những ai muốn gắn bó với chúng con có được một đời sống thử luyện lâu hơn và nghiêm túc hơn trước khi thực sự gia nhập tập viện chúng con… Mẹ bề trên cũng cảm nhận rất rõ về điều này, thế nhưng chúng con không thấy được con đường nào để có thể đạt được điều ấy, như là những đan sĩ…”

Khi thực sự cảm thấy được nhu cầu cần thiết này, chị em sẽ làm việc để có được một chương trình. Trên hết, đừng gấp gáp đưa các thiếu nữ vào nội vi cho đến khi họ và chị em đã đáp ứng cẩn thận 4 điều kiện được Tòa Thánh đề cập trên đây.

Ngoài hai câu hỏi của cha Vincent de Couesnongle, tôi nghĩ rằng phải thêm câu thứ ba: Chúng ta đang đào tạo chính mình thế nào để có thể tiếp nhận những ơn gọi trẻ? Đây là một thách thức quan trọng với nhiều cộng đoàn. Giai đoạn đào tạo ban đầu là một vấn đề đối với nhiều cộng đoàn, bởi vì nếu thiếu những nhà đào tạo cần thiết, làm sao chị em có thể chắc chắn rằng mình đã được chuẩn bị để có thể hội nhập vào đời sống đan viện các ơn gọi trẻ, vốn là những người đến từ một thế giới rất khác với chị em? Một lần nữa, hãy để một đan sĩ trong số chị em lên tiếng:

Con nghĩ rằng, chúng con, những đan sĩ, cần phải suy tư kỹ càng và nghiêm túc hơn về tương lai. Cá nhân con nghĩ rằng, chúng con thật may mắn nếu sáu hoặc bảy đan viện trong số mười đan viện ở nước Mỹ này còn tồn tại. Có nhiều nhu cầu lâm thời ngắn hạn mà chúng con buộc phải đối diện. Tuy nhiên, chúng con không phải lựa chọn sao? Chúng con không phải nhắm đến một vài đan viện để phát triển trong tương lai sao? Có lẽ chúng con có thể nghĩ về việc chỉ định một đan viện làm nơi đào tạo, hai hoặc ba đan viện khác làm nơi chăm sóc các chị em lớn tuổi, một đan viện khác làm trung tâm phục vụ các cộng đoàn trong việc thông tin và xuất bản.

Tôi nghĩ rằng, nếu chị em, những đan sĩ Đa Minh của chúng ta, nghiêm túc về việc “ước muốn cho đời chiêm niệm Đa Minh được thăng tiến theo những điều kiện của mỗi thời đại” (LCM số 181), chị em không thể né tránh câu hỏi thứ ba này.

TẬP VIỆN VÀ ĐỆ TỬ VIỆN



Trong bản tường trình cho Tổng hội Oakland, tôi phát biểu rằng: Tập viện là một giai đoạn mang đến cho tập sinh khoảng thời gian và không gian cần thiết để có được cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa. Đó là một khoảng thời gian để nhận ra tình thương của Chúa, chấp nhận tình thương đó và trung tín với những gì hàm chứa trong tình thương ấy vốn là mục đích mà gian đoạn này nhắm tới. Có một giá trị trong việc các tập sinh luôn được tách biệt khỏi phần còn lại của cộng đoàn. Phải quan tâm cách đặc biệt sao cho các tập sinh không phải gồng gánh công việc trong cộng đoàn… (x. Công vụ Tổng hội Oakland). Một vài câu hỏi mà tôi đặt ra cho các Tỉnh dòng liên quan đến lĩnh vực này có thể áp dụng được cho chị em, ví dụ:

1/ Đan viện đã có những nhà đạo tạo đầy đủ và phù hợp chưa?

2/ Có đặt nhu cầu về các nhà đào tạo ở vị trí hàng đầu không?

3/ Có một chương trình học vững chắc không?

4/ Có đánh giá đủ các đan viện khác không? Có đánh giá đủ những điều mà chị em đóng góp cho sự hạnh phúc của các đan viện đó không, đánh giá đủ về những điều chị em có thể nhận từ họ không?

Mặc dù hầu hết các đan viện đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng những đòi hỏi trên đây, thế nhưng các liên hiệp và các nhóm đan viện đã có thể xử lý được. Chúng ta không thể chỉ đơn giản xem các ơn gọi trẻ như “điều cần thiết để duy trì Tập viện, duy trì giờ kinh chung trong cung nguyện và làm những công việc cần thiết để bảo quản cộng đoàn.” Những người trẻ này cần người đồng hành có cùng cảm nghiệm giống họ. Điều tôi thấy cần nhấn đi nhấn lại là sự kiện có một hay vài tập sinh cùng với dì giáo sống tách biệt hoàn toàn trong tập viện, khiến tôi đặt câu hỏi rằng, liệu chúng ta có thực sự hiểu điều mà việc đào tạo ngày nay đòi hỏi không.

Trong phần dẫn nhập sách Hiến pháp (1930), Tổng quyền Martin Gillet, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và học hỏi như một điều tiên quyết đối với đời sống chiêm niệm Đa Minh:

Đây không phải là chuyện đưa vào đan viện những tu sĩ trí thức, cũng không là quan niệm rằng, trong đời chiêm niệm, tri thức cao trọng hơn tình yêu; đó quả là một thảm họa. Không, đây không phải vấn đề về những nhà trí thức, nhưng là về các tu sĩ được huấn luyện, là những người ao ước được biết Chúa đến mức độ cao nhất có thể ngõ hầu yêu mến Chúa nhiều hơn, để rồi biết Chúa cách sâu xa hơn.

Có bao nhiêu đan viện ngày nay có thể đưa ra một chương trình đào tạo cốt yếu như vậy?

NHỮNG NHÀ GIẢNG THUYẾT NIỀM HY VỌNG


Tổng hội Oakland nhắc nhở rằng, chúng ta chẳng còn lý do gì để giảng thuyết nếu việc giảng thuyết của chúng ta không đánh thức được niềm hy vọng, hay không đem lại cho niềm hy vọng đó một động lực thúc đẩy mới (x. 43, IV). Sự phong phú đa dạng của các thánh trong dòng Giảng Thuyết cho chúng ta thấy rằng, có nhiều con đường để đáp ứng ơn gọi là những nhà giảng thuyết của chúng ta.

Trong Tông huấn Loan báo Tin mừng, đức Phaolô VI viết rằng: “Trong Giáo hội, lời chứng, vốn được trao ban từ một đời sống Kitô hữu cơ bản và chân thật, một đời sống tận hiến cho Thiên Chúa trong một tình hiệp nhất không thể chia cắt, một đời sống cống hiến tương tự với niềm hăng say hết mình trong tâm hồn dành cho tha nhân, lời chứng đó là phương thế hàng đầu trong việc rao giảng Tin mừng” (EN số 4, §I). Đây chính là tầm nhìn của cha Đa Minh và của nhiều vị thánh trong Dòng. Trên tất cả, đời sống của các đan sĩ chiêm niệm chính là lời rao giảng Tin mừng bằng đời sống của mình.

Việc rao giảng bằng lời nói cũng sẽ có một vị trí khi chị em biết chia sẻ đức tin của mình với chị em khác hay với cộng đoàn của mình, hay trong các tương quan cá nhân của chị em qua thư từ hoặc với những vị khách đến thăm viếng (x. EN, phần nói về các phương tiện rao giảng Tin mừng).

Cha Chenu có lần nói: “Bạn có thể vào dòng Đa Minh qua hai cánh cửa: công tác tông đồ hoặc đời sống chiêm niệm. Tôi đã đi vào bằng cánh cửa chiêm niệm, và qua nhiều năm, tôi đã khám phá ra chiều kích tông đồ của đoàn sủng Đa Minh.”

Khi đã già, cha Chenu đặt ra câu hỏi: Liệu dòng Đa Minh có tương lai chăng? Và với một sự lạc quan đáng kể, ngài trả lời:

Tương lai của Dòng nằm ở chỗ Giáo hội phải liều mạng sống của mình trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh và quá triệt để: tại đó Dòng tìm thấy lẽ tồn tại của mình (raison d’etre). Tương lai của Dòng nằm trong mối liên quan này của Giáo hội. Chúng ta được sinh ra vì cuộc đối đầu giữa thế giới và Giáo hội, vì cuộc chạm trán giữa Giáo hội với một thế giới đã hoàn toàn trở nên ‘hiện đại’; đây cũng từng là thách thức mà cha Đa Minh cũng như những anh chị em tiên khởi phải đối diện. Các vị đối diện trong niềm vui sướng cho đi chính cuộc đời của mình. Chúng ta cũng hãy quảng đại cho đi chính cuộc đời của chúng ta!

Tôi xin kết luận bằng một lời mô tả rất hay về đời sống của chị em, lời mô tả này là của một chị đan sĩ đã từng là thành viên của một hội dòng hoạt động:

Quan tâm đến những người khác trong tư thế là một người Đa Minh đang ngày càng trở nên ý nghĩa đối với tôi từ khi tôi vào sống trong đan viện, bởi vì tôi biết rằng, tôi ở đây để trao ban đời tôi trong lời cầu nguyện cho toàn thế giới và cách đặc biệt cho các anh chị em Đa Minh của tôi. Tôi không còn là một tu sĩ Đa Minh với một công tác tông đồ cá nhân, nhưng giờ đây tôi là một phần trong toàn thể hoạt động tông đồ Đa Minh, và vì thế tôi cảm thấy hăng say hơn trong từng nhịp đập vui buồn của đại gia đình này.

Thân ái trong thánh phụ Đa Minh.