Huấn thị Verbi Sponsa



Huấn Thị "Verbi Sponsa"- Quy tắc Nội vị Giáo Hoàng về Đời sống Chiêm niệm và Nội vi của các nữ đan sĩ, ban hành ngày 13-05-1999. Bản dịch này do các nữ Đan sĩ Đa Minh Việt Nam thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập Đan viện Đa minh tiên khởi tại Prouilhe năm 1206.


Giáo Hội, Hiền Thê của Ngôi Lời, thể hiện mầu nhiệm kết hiệp độc hữu với Thiên Chúa, được biểu lộ qua nếp sống của những người tận hiến cho đời sống thuần túy chiêm niệm. Vì thế, Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (Đời Sống Thánh Hiến) trình bày ơn gọi và sứ vụ của các nữ đan sĩ như là “một dấu chỉ của sự kết hiệp độc hữu của Giáo Hội - Hiền Thê với Đức Chúa của mình, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự”,[1]đã chứng tỏ ân huệ đặc biệt và quà tặng quí hóa của họ trong mầu nhiệm sự thánh thiện của Giáo Hội.

Trong sự chú tâm hoàn toàn để đón nhận lời của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17), các nữ đan sĩ luôn luôn “ở với Người trên Núi Thánh” (2 Pr 1, 17-18). Chăm chú nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, họ được bao phủ bởi đám mây của sự hiện diện thiên linh và họ bám sát vào Chúa.[2]

Các nữ đan sĩ nhận ra mình một cách đặc biệt nơi Đức Maria[3] - Trinh Nữ, Hiền Thê và Hiền Mẫu - hình ảnh Giáo Hội[4]; và họ chia sẻ chân phúc kẻ đã tin (x. Lc 1,45; 11,28), nối dài tiếng “Xin Vâng” và lòng kính mến đối với Lời ban sự sống. Cùng với Người, họ trở thành ký ức sống động của tình yêu hôn thê của Giáo Hội (x.Lc 2: 19,51).[5]

Lòng quí trọng mà cộng đoàn Kitô hữu luôn luôn dành cho những người nữ sống đời chiêm niệm trong đan viện đã tăng lên cùng với sự tái khám phá bản tính chiêm niệm của Giáo Hội và ơn gọi của mỗi người Kitô hữu: Hãy đến gặp gỡ cách huyền nhiệm với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Thực vậy, khi các nữ đan sĩ sống cả cuộc đời “ẩn kín với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3), họ thực hiện cách tuyệt vời ơn gọi chiêm niệm của toàn thể dân Chúa,[6] và như thế họ trở thành một dấu chỉ sáng ngời của Nước Thiên Chúa (x. Rm 14,17), “vinh quang của Giáo Hội và suối nguồn ơn thánh”[7] (Dẫn nhập Huấn Thị Verbi Sponsa số 1).


Tóm tắt Huấn Thị Verbi Sponsa


Ngoài nhập đề (số 1-2) và kết luận (số 31), huấn thị gồm có bốn phần:

Phần thứ 1 (số 3-8): Ý nghĩa của nội vi của các nữ đan sĩ nhìn dưới khía cạnh thần học.
Đời sống chiêm niệm trong Hội Thánh muốn họa lại tấm gương của Đức Giêsu lên núi một mình để gặp gỡ Chúa Cha và khẩn nài cho thế giới. Sự ngăn cách với thế gian, kể cả dưới hình thức cụ thể, muốn nói lên việc thông phần vào mầu nhiệm “tự hủy” (kenosis) của Đức Kitô (sự cô đơn bị bỏ rơi trong Vườn Cây Dầu và trên Thập Giá), cũng như tuyên xưng giá trị tuyệt đối của tình yêu Đức Kitô vượt lên trên mọi giá trị trần thế.


Phần thứ 2 (số 9-21): Những hình thức nội vi và ấn định những quy tắc áp dụng.
Tuy mục tiêu của đời sống chiêm niệm là một, nhưng trải qua lịch sử, đã có nhiều hình thức khác nhau tùy theo đặc sủng của mỗi Dòng. Văn kiện phân biệt ba loại nội vi:

1/ “Nội vi Giáo hoàng” (clausura papalis), dựa theo quy tắc do Tòa Thánh thiết lập;

2/ “Nội vi theo hiến pháp” của vài đan viện, kết hợp đời sống chiêm niệm với một số hình thức bác ái tông đồ;

3/ Đan viện theo truyền thống đan tu.

Văn kiện ấn định những quy tắc căn bản của luật nội vi Giáo hoàng (tuy cũng để cho mỗi địa phương thích nghi theo hoàn cảnh), liên quan đến những trường hợp các nữ đan sĩ được ra khỏi nội vi, những cuộc gặp gỡ hội thảo.


Phần thứ 3 (số 22-26): Đề cập đến vấn đề huấn luyện. Trên nguyên tắc, mỗi đan viện phải tổ chức việc đào tạo cho các thành viên của mình. Việc đào tạo này phải được thực hiện tại mỗi đan viện. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, việc đào tạo các nữ đan sĩ thuộc nhiều đan viện cũng được đặt ra. Văn kiện nhắc đến vài điều kiện của tổ chức các lớp liên đan viện.

Phần thứ 4 (số 27-30): Các Hiệp hội hoặc Liên hiệp đan viện, như là những hình thức tương trợ về nhân sự và tài chánh cũng như trong việc huấn luyện. Nội quy của các Hiệp hội cần được Tòa thánh phê chuẩn.



Chú Thích 

[1] TH, số 59.

[2] X. MK số 8; TH số 14, 32; Giáo Lý Công Giáo, số 555; Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học III, 45, a.4 ad 2: “Cả Ba Ngôi Thiên Chúa xuất hiện: Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong Con Người, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng rực”. Cassianus, Collationes 10, 6. PL 49, 827: “Người rút lui lên núi một mình để cầu nguyện là để dạy chúng ta, khi cho chúng ta một gương mẫu về đời sống ẩn dật, ngõ hầu nếu muốn kêu cầu Chúa với con tim trong trắng và tinh tuyền, thì chúng ta phải rút lui khỏi mọi xao xuyến và lo toan của người đời cũng như vậy”; Guillaume de Saint Thierry, Ad Fratres de Monte Dei, I, 1 PL 184, 310: “Chính Chúa Giêsu đã thường xuyên thực hành đời sống cô tịch ngay cả lúc ở giữa các môn đệ, khi biến hình trên núi thánh, gợi lên nơi họ lòng khát khao khiến cho thánh Phêrô thốt lên: Ôi hạnh phúc biết bao nếu chúng con được ở đây mãi mãi!”.

[3] X.TH 28; 112.

[4] X.GH số 63.

[5] X. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater (25/3/1987), số 43; Huấn từ cho các nữ đan sĩ, (Loreto, 10/9/1995), 2: “Đời sống trong Dòng kín là gì nếu không phải là một việc liên tục nhắc lại lời ‘xin vâng’, mở ra những cánh cửa của bản thân để đón nhận Đấng Cứu Thế? Các chị em nói lên lời ‘xin vâng’ này bằng việc hằng ngày chấp thuận công việc của Thiên Chúa và bằng sự miệt mài chiêm niệm những mầu nhiệm cứu độ”.

[6] X.PV, số 2; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi cho các Giám Mục Công Giáo về một vài khía cạnh của việc suy niệm Kitô giáo Orationis Formas (15/10/1989), số 1; Giáo Lý Công Giáo, số 2566-2567.

[7] DT số 7; x. Đức Gioan Phaolô II, Angelus (17/11/1996): “Những cộng đoàn sống đời chiêm niệm thật là một kho tàng vô giá cho Giáo Hội và xã hội biết chừng nào!”