Huấn luyện đan sĩ Đa Minh


Việc huấn luyện các đan sĩ được Dòng quan tâm cách đặc biệt để các nữ Đan sĩ bước theo Chúa Kitô và dần đạt tới sự viên mãn của đời đan tu. Việc huấn luyện này là một quá trình dài và diễn tiến qua nhiều giai đoạn khác nhau. Hiến pháp các nữ Đan sĩ Dòng Giảng thuyết quy định về việc Huấn luyện các nữ đan sĩ của Dòng từ số 111 đến 121 một cách cụ thể như sau:

111. I. Vì tương lai của đan viện tùy thuộc phần lớn vào việc huấn luyện kỹ lưỡng các đan sĩ, nên việc huấn luyện phải được quan tâm đặc biệt để những chị em ao ước bước theo Chúa Kitô trong nếp sống của chúng ta được đạt tới sự viên mãn của đời đan tu.

II. Mặc dù việc huấn luyện các đan sĩ trải dài qua nhiều năm và diễn tiến qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng chương trình huấn luyện phải được soạn thảo sao cho có tính cách liên tục và tiệm tiến, được thống nhất do mục tiêu theo đuổi.

III. Cộng đoàn đan viện phải là một trường đức ái mà thầy dạy là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Trong đó, mọi chị em đều cộng tác tùy theo địa vị và khả năng của mình.

112. I. Việc huấn luyện khởi đầu bằng giai đoạn thỉnh viện, có mục đích để thỉnh sinh thử nghiệm lối sống của chúng ta; mặt khác, để chị em lượng giá sự thích hợp trong ơn gọi của thỉnh sinh.

II. Việc nhận định hỗ tương này được tiếp tục trong thời kỳ tập viện; qua đó tập sinh dần dần hội nhập vào việc tuân giữ quy luật.

III. Sau khi khấn lần đầu, các đan sĩ được tháp nhập và bén rễ trong đời đan tu để chuẩn bị hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa.

113. Việc huấn luyện phải thực hiện tại đan viện của tập sinh; nhưng khi có lý do chính đáng và với phép Tòa thánh, có thể thực hiện ở đan viện khác. Những quy tắc về việc huấn luyện chung có thể được quy định trong quy chế của các Liên hiệp đan viện.

114. I. Chính ứng sinh là người đầu tiên chịu trách nhiệm trong việc huấn luyện bản thân, bằng việc tự do cộng tác với ơn Chúa theo sự hướng dẫn của chị Giám tập (Những chỉ dẫn về việc huấn luyện, số 29).

II. Việc huấn luyện được trao cho nhiều chị em khác nhau, tùy theo cương vị của mỗi người:

1. Đan viện Trưởng chỉ định chị Giám tập với phiếu quyết nghị của Ban cố vấn đan viện. Chị phải là người đã khấn trọng, ít nhất 30 tuổi, trổi vượt về nhân đức và đạo lý, có kinh nghiệm thiêng liêng và khả năng biện phân Thần khí. Đối với các tập sinh, chị phải tỏ ra yêu thương, nhân từ và cương quyết, khiêm tốn và kiên nhẫn.

2. Dựa theo giáo luật số 651&2, Đan viện Trưởng có thể chỉ định một chị phụ tá Gián tập với sự đồng ý của Ban cố vấn. Các chị em khác cũng có thể được chỉ định để dạy các môn học đặc biệt hay chuyên môn cho các tập sinh.

3. Nơi nào thấy cần thiết, có thể thành lập một Ban huấn luyện có nhiệm vụ bàn những vấn đề liên quan đến tiến trình đào tạo toàn diện của các ứng sinh, trợ giúp chị Giám tập trong chức năng của mình, nhưng không có quyền quyết định. Chị Giám tập phải luôn hiện diện trong các phiên họp của Ban huấn luyện; các thành viên khác do Đan viện Trưởng chỉ định sau khi đã tham khảo ý kiến của Ban cố vấn. Trong các Liên hiệp có tập viện chung. Quy chế phải ấn định những nguyên tắc về Ban huấn luyện.

III. Chính cộng đoàn đan viện, qua nếp sống bao dung, nhiệt tình và hòa hợp, phải là một gia đình, nhờ đó các ứng sinh dễ dàng kiên trì và tiến triển trong ơn gọi của họ.

115. Nhiệm kỳ của chị Giám tập được quy định trong Chỉ nam, nhưng không dễ dàng thay đổi.

116. Duy chị Giám tập chịu trách nhiệm về việc chăm lo cho các người thụ huấn cả về đời sống tâm linh lẫn kỷ luật. Trong những vấn đề liên quan đến kỷ luật của đan viện, cả chị Giám tập và người thụ huấn đều phải tùng phục Đan viện Trưởng.

117. Chị Giám tập phải thận trọng không được ép buộc người thụ huấn bằng bất cứ cách nào phải giãi bày lương tâm với mình. Người thụ huấn được hoàn toàn tự nguyện trong việc này.

118. I. Chị Giám tập phải quan tâm đặc biệt đến các vấn đề sau đây:
  • Sao cho việc huấn luyện tu trì thăng tiến toàn diện các đức tính nhân bản và đạt được sự trưởng thành nhân cách của các ứng sinh.
  • Làm sao để các tập sinh nhận biết và yêu mến ơn gọi sống đời chiêm niệm của mình, cố gắng liên lỉ và cương quyết đạt tới lý tưởng nhờ đó sự quyết tâm sử dụng những phương thế đã được giáo hội và Dòng đề ra, đặc biệt qua việc năng lãnh nhận các bí tích.
* Những yếu tố chính mà các tập sinh phải được huấn luyện và thực hành là:
  • Sự liên kết giữa đời sống chung với sự thinh lặng và cô tịch;
  • Chú tâm vào việc việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt qua Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn;
  • Mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện cá nhân và cử hành phụng vụ;
  • Thực thi đức ái chân thành và tích cực đối với chị em và mọi người;
  • Thực thi lời khấn, khiếm tốn và dứt khoát từ bỏ những gì có thể làm cản trở việ thăng tiến đức ái;
  • Trung thành tuân giữ luật Dòng.
II. Chị Giám tập huấn luyện cho các tập sinh biết cầu nguyện và ấp ủ trong lòng Thập giá Chúa Kitô. Hãy dạy họ sống khó nghèo trong tinh thần như lời Chúa dạy: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt11,30). Chị cũng hướng dẫn tập sinh biết đồng cảm với Giáo hội.

119. I. Chương trình các môn học và phương pháp học phải được xếp đặt sao cho thích hợp với mục đích của đời chiêm niệm và khả năng cá nhân.

II. Chỉ nam phải quy định chương trình các môn học trong suốt thời gian huấn luyện, đó là: Kinh Thánh, Phụng vụ, Lịch sử Giáo hội, Lịch sử Linh đạo và lịch sử Dòng, Thần học Tín lý và Luân lý.

III. Các chị em khấn tạm ở các Hội Dòng khác thuyên chuyển tới đan viện, cũng phải được học hỏi các môn liên quan đến nếp sống chiêm niệm Đa Minh.

IV. Chị em cũng được huấn luyện về các nghề thủ công và chuyên môn để đáp ứng nhu cầu đời sống của đan viện.

120. Dù thời gian tập và khấn tạm kéo dài bao lâu đi nữa, người thụ huấn phải được hướng dẫn liên tục do chị Giám tập ít nhất là 5 năm sau giai đoạn thỉnh viện.

121. Để tuân giữ các khoản HP 112; 118; 119; 120; 130; 141; 142; 155; 162; 165; 242; Chỉ nam phải quy định một chương trình đầy đủ về các môn học trong suốt tiến trình đào tạo.